Khơi mở tình yêu và đam mê âm nhạc

  • 11:03, 21/03/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chưa bao giờ, môi trường bồi dưỡng âm nhạc cho trẻ ở Đồng Hới trở nên náo nhiệt như hiện nay, khi nhiều trung tâm dạy nhạc lần lượt ra đời. Có lẽ bởi nhiều bậc phụ huynh nhận ra rằng, cùng với việc bồi dưỡng tri thức, trẻ cũng cần được khơi mở tình yêu và đam mê với âm nhạc – cũng là cách để bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách trẻ thơ.
 
Nở rộ nhiều trung tâm
 
Bên trong ngôi nhà khang trang nằm ở khu đô thị mới tổ dân phố 2, phường Đồng Phú (Đồng Hới), những học viên nhỏ tuổi vẫn chăm chú theo từng phím đàn. Tiếng piano êm dịu vang lên phá vỡ không gian yên ắng nơi này. Học viên ở đây là những cô bé, cậu bé với đủ mọi lứa tuổi nhưng ai cũng háo hức, say mê khi lướt đôi bàn tay  nhỏ trên những phím đàn. Những nốt nhạc bắt đầu được ngân lên.
 
Cô giáo Trần Thị Trang, giáo viên dạy piano tại Trung tâm Music House cho biết, đây chỉ là một trong nhiều lớp học của trung tâm. Tại đây, hiện có các lớp piano, guitar, violon... Trong đó, lớp đàn piano có nhiều học sinh tham gia. Ra đời từ tháng 2-2017, đến nay, Music House đã có hơn 100 học viên với đủ mọi lứa tuổi.
 
“Những năm theo học nhạc, cuộc sống kinh tế của gia đình rất khó khăn nên tôi hiểu, rất nhiều đứa trẻ yêu thích và đam mê âm nhạc nhưng vì hoàn cảnh không thể theo học bài bản được. Từ những ký ức đó của mình, cùng kinh nghiệm hơn 15 năm dạy nhạc, tôi và một số bạn nữa mở ra trung tâm này với mong muốn ai cũng có thể được đi học, được theo đuổi niềm đam mê. Vậy nên, mức học phí trung bình ở đây không quá cao. Mỗi tuần 2 buổi, học phí lớp piano 600.000 đồng/tháng, guitar 350.000 đồng/tháng và violon 500.000 đồng/tháng”, cô Trang cho biết thêm.
Piano là bộ môn được nhiều học viên theo học.
Piano là bộ môn được nhiều học viên theo học.
Nếu như trước kia, trẻ chỉ được học nhạc ở trường và Nhà Thiếu nhi tỉnh, thì nay, những học viên nhỏ tuổi này có thể theo học tại các trung tâm dạy nhạc tư nhân. Những năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố Đồng Hới bắt đầu xuất hiện nhiều trung tâm âm nhạc, học viên phần lớn là các em học trong độ tuổi từ 4 – 16 tuổi.
 
Cùng với Music House, Đồng Hới hiện có các trung tâm âm nhạc, như: Music Academy (Đồng Mỹ), T.K (Bắc Lý), Music Life (Nam Lý)... chưa kể một số lớp nhỏ lẻ được các giáo viên âm nhạc mở dạy tại nhà. Điểm chung của các trung tâm này là trang thiết bị, nhạc cụ dạy học được đầu tư hiện đại, đội ngũ giáo viên đứng lớp là những người được đào tạo bài bản, chuyên sâu về âm nhạc và chương trình học được kết hợp với các buổi ngoại khóa. Cùng với lớp thanh nhạc, hầu hết các trung tâm đều dạy các loại nhạc cụ phổ biến: piano, organ, guitar, violon và trống.
 
Theo anh Vương Đình Bình, Trung tâm Music Academy, so với các lớp khác, lớp piano bao giờ cũng đông học viên hơn cả bởi đây là hình thức nhập môn âm nhạc lý tưởng và người học piano có nhiều lựa chọn và hướng phát triển hơn các nhạc cụ khác. “Phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất là một cô kèm cặp một trò. Tại Music Academy, ở các lớp nhạc cụ, học viên sẽ phải có 6 tháng học hoàn thiện các kỹ thuật cơ bản như kỹ thuật ngón, nhạc lý, tiếp đến giáo viên mới định hướng cho học viên chương trình học tiếp theo. Chúng tôi cũng có một lớp liên kết với các thạc sỹ chuyên ngành âm nhạc để nắn, chỉnh lại một số kỹ thuật cho học viên”, anh Bình cho biết thêm.
 
Khơi mở đam mê
 
Chị Hoàng Thị Thúy Hồng (Đồng Phú,TP. Đồng Hới) có hai con gái đang theo học lớp piano hơn một năm qua. Chị bảo, nếu cô con gái đầu học vì yêu thích và năng khiếu thì cô con gái thứ hai được chị cho theo học với mong muốn âm nhạc sẽ thay đổi một phần cá tính của cô bé. “Một năm theo học, dù vẫn chưa thể hiện sự yêu thích hay đam mê như chị, nhưng cháu đã “đằm” tính hơn rất nhiều. Và không chỉ các con, mà ngay cả bố mẹ cũng cảm thấy cuộc sống thi vị hơn nhờ âm nhạc, nhất là những khi trở về nhà, được nghe tiếng piano vang lên từ phòng của các con, gia đình tôi ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm”, chị Hồng chia sẻ. Khoa học và thực tế đã cho thấy, âm nhạc có sức mạnh kỳ diệu trong hướng thiện, hình thành nhân cách cho trẻ em. Nhưng để theo đuổi niềm yêu thích và đam mê với âm nhạc, người học nhạc phải kiên trì khổ luyện. Với trẻ em, rất khó để đòi hỏi ở các em sự say mê, tinh thần khổ luyện khi không thấy được sự gần gũi và ứng dụng của âm nhạc vào đời sống. Nhất là đối với những em bắt đầu bước vào độ tuổi thiếu niên, việc học nhạc nếu không mang đến hứng thú và giải tỏa được nhu cầu thể hiện cá tính thì sẽ bị gạt sang một bên là điều dễ hiểu.
Cùng với các giờ học trên lớp là các buổi biểu diễn, ngoại khóa.
Cùng với các giờ học trên lớp là các buổi biểu diễn, ngoại khóa.
Theo anh Nguyễn Đình Khóa, Trung tâm âm nhạc T.K, trẻ ở từng lứa tuổi sẽ có sự phát triển khác nhau về cơ quan não bộ, khả năng tiếp thu và cấu trúc thể chất. Do đó, các bậc cha mẹ cần có kiến thức để biết vào độ tuổi nào thì nên áp dụng hình thức giáo dục âm nhạc nào cho trẻ là phù hợp. Không phải tất cả phụ huynh khi mang con theo học tại các lớp năng khiếu này để giúp trẻ theo đuổi niềm yêu thích, đôi khi họ mang đến chỉ với mong muốn giúp con có thể tránh xa các trò chơi nguy hại khác.
 
“Dù với bất kỳ lý do nào, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với âm nhạc cũng là để hoàn thiện nhân cách cho các em. Chưa kể đến việc tại các lớp học này đã phát hiện ra nhiều trẻ có năng khiếu đặc biệt đối với âm nhạc. Tất nhiên, việc quyết định cho trẻ đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp hay không là quyền định hướng của phụ huynh”, anh Khóa chia sẻ.
 
Từ thực tế của các trung tâm dạy âm nhạc cho thấy, một số phụ huynh cho con theo học năng khiếu nhưng không “đến nơi, đến chốn”, một phần đi theo số đông, theo phong trào. Thay vì động viên con học chuyên cần và kiên trì theo lớp thì phụ huynh lại cho trẻ bỏ dở giữa chừng.
 
“Với một vài phụ huynh, chỉ mong họ một lần mang con vào tận lớp, gặp thầy cô để mình có thể trao đổi với họ về việc học của trẻ nhưng rất khó. Họ mang con đến và giao toàn bộ cho thầy cô giáo mà không quan tâm hôm nay trẻ học được những gì? Kỹ năng trẻ đến đâu và trẻ thực sự có năng khiếu với âm nhạc hay không? Chúng tôi chỉ mong các bậc phụ huynh, một khi cho con theo học thì hãy để cho các em nỗ lực và kiên trì hết mình với âm nhạc. Biết đâu được, các em sẽ khám phá ra được năng khiếu, niềm đam mê và yêu thích của chính mình, cũng là cách để giúp trẻ phát triển toàn diện hơn”, anh Vương Đình Bình, Trung tâm Music Academy chia sẻ.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Màu áo tháng ba
Màu áo tháng ba
(QBĐT) - Màu áo tháng ba xanh sắc lá cây
Hòa màu cờ Đoàn thấm hồn ngọn gió
Sắc nắng mãi tươi xanh màu cỏ
Cánh ong thơm vương mật ngọt ngào
 
Xuân nhớ
Xuân nhớ
(QBĐT) - Chớm xuân lộc biếc dâng phố mới
Mầm nhú tươi non thắm mai đào
Én về chao liệng vui trời đất
Nắng vàng trước ngõ gió lao xao
 
Người về...
Người về...
(QBĐT) - Người về nhặt lá vàng rơi
Buồn vui gói lại giữa đời nông sâu
Tình quê thắm đượm cau trầu
À ơi... bắt nhịp qua cầu nhớ thương