Để "cõi thiêng" thực sự là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

  • 07:03, 14/03/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đi lễ đầu năm (lễ chùa, đền) là nét đẹp văn hoá truyền thống trong hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Vì vậy, giữ gìn nét đẹp văn hoá khi đến với các điểm du lịch tâm linh cũng là cách để mỗi người dân trải nghiệm đời sống nội tâm sâu lắng hơn.
 
Là địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh nên mỗi dịp Tết đến, xuân về và những tháng đầu năm mới, tỉnh ta lại được đón rất nhiều du khách đến với các điểm du lịch nổi tiếng như núi Thần Đinh, hang Tám cô, Đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Để tạo ấn tượng trong lòng du khách, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc quê hương.
 
Chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) - Di tích lịch sử cấp Quốc gia là một trong những điểm đến thu hút rất đông du khách và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái, cầu an. Năm nay là năm thứ ba, chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội với nhiều nghi lễ như lễ rước nước, lễ phóng sinh, thuyết pháp, lễ quy y Tam Bảo, lễ cầu nguyện cho Quốc thái dân an, lễ phát lộc... Du khách và người dân bản địa còn được hoà mình vào các loại hình văn hoá dân gian đặc sắc của quê hương Lệ Thuỷ như tham gia lễ hội bài chòi, thi đấu cờ tướng, thi kéo co, thưởng thức các làn điệu hò khoan Lệ Thuỷ. Điều đáng ghi nhận là với số lượng khách rất đông (ước tính sẽ có trên 30.000 lượt khách đến chùa trong mùa lễ hội) song ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện để các hoạt động được diễn ra thông suốt, đúng với tinh thần của lễ hội.
 
Nếu như những năm trước, dễ dàng bắt gặp cảnh người dân chen lấn nhau trước chánh điện để được hành lễ, thậm chí không ít trường hợp còn bị mất giày dép, mũ... thì năm nay theo nhận xét của nhiều người dân và những phật tử làm công tác “hậu cần” của lễ hội thì dường như không xảy ra những điều đáng buồn trên. Được sự chỉ dẫn tận tình của các phật tử nên khách vào hành lễ rất ý thức đến phép tắc, giữ gìn trật tự. Chị Phạm Thị Chuyền đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hay: Chị đến với chùa Hoằng Phúc bởi nơi đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đến và thuyết pháp về giáo lý Phật giáo. Chị ấn tượng nhất là nhà chùa đã rất công phu khi chuyển tải các nội dung của luật nhân quả bằng những bức tranh với lời dẫn rất ngắn gọn, cả trẻ con khi xem vẫn hiểu nhằm hướng con người đến với những giá trị đạo đức tốt đẹp. Chị cho rằng, đây là phương pháp truyền thông rất hiệu quả.
 
Ngoài ra, khách tham quan và bà con phật tử còn khá thích thú với hoạt động “cho chữ” đầu xuân của các "ông đồ", "bà đồ" đang ở độ tuổi thanh thiếu niên trong trang phục áo dài, khăn đóng với mực tàu, giấy đỏ. Các em đều được đào tạo bài bản về kỹ thuật viết thi pháp và học chữ Hán-Nôm nên luôn đáp ứng tốt nhu cầu “xin chữ” của người dân.
Chùa Hoàng Phúc điểm đến của nhiều du khách và bà con phật tử trong, ngoài tỉnh.
Chùa Hoằng Phúc điểm đến của nhiều du khách và bà con phật tử trong, ngoài tỉnh.
Tại các chùa khác như chùa Đại Giác (Đồng Hới), chùa Kim Phong, chùa Non núi Thần Đinh, chùa Quảng Xá (Quảng Ninh)... những ngày đầu năm cũng là điểm đến của nhiều phật tử và khách tham quan trên mọi miền đất nước. Để tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và đáp ứng nhu cầu lễ chùa của bà con, các chùa luôn chuẩn bị sẵn hương đăng và nhắc nhở mọi người không đặt lễ, không thắp hương để tránh sự lộn xộn. Ở chùa Quảng Xá, nhà chùa còn chuẩn bị cả trà nước và cơm chay để đón tiếp, phục vụ bà con khi có nhu cầu ngay trong khuôn viên rất thoáng đãng, thanh tịnh của nhà chùa.
 
Ở Vũng Chùa-Đảo Yến nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ hàng ngày đón từng dòng người đến thắp hương, bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn với Đại tướng trong không khí trang nghiêm bởi có sự hướng dẫn rất tận tình của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Các chiến sĩ luôn chuẩn bị sẵn hương để phát tận tay cho từng người và nhắc nhở người dân xếp hàng ngăn nắp nên dù số lượng người rất đông vẫn bảo đảm trật tự.
 
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) cũng là điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông khách đến hành lễ. Năm nay, người dân được hành lễ trong khu đền mới được xây dựng ngay trước đền cũ có quy mô cao và thoáng đãng hơn. Và đặc biệt là không còn tình trạng người dân thắp hương tùy tiện như những năm trước.
 
Trong tâm thức của người dân Việt, tháng Giêng là quãng thời gian để thực hiện những chuyến du lịch tâm linh, đến với các di sản văn hoá như đền, chùa... và tham gia lễ hội truyền thống để thể hiện lòng thành kính và gửi gắm những ước mơ hoài bão, hay trút bỏ bao lo toan đời thường, hướng đến một năm mới với niềm tin có được mọi sự an lành, hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người dân do thiếu ý thức nên đã có những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, trái với bản sắc văn hoá truyền thống. Đó là không ít phụ nữ, thanh niên mặc quần cộc, váy ngắn khi đi hành lễ và vẫn còn cảnh tranh giành sợi dây kết nối cầu nguyện và lộc ngay sau khi nhà chùa kết thúc các phần nghi lễ. Tại Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh vẫn còn hiện tượng khách xin keo, xin xăm, xin thẻ, khấn hộ...
 
Đầu xuân năm mới, đến với “cõi thiêng” để bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật, tổ tiên... trở thành nét văn hoá độc đáo của người Việt. Và hành động, việc làm ấy chỉ thực sự đẹp khi mỗi người dân đều nêu cao ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá của quê hương.
 
Nhật Văn

tin liên quan

Nhớ làng
Nhớ làng
(QBĐT) - Bỗng dưng ta lại nhớ làng
Nhớ từng vạt nắng trải vàng ngõ quê
Nhớ bóng tre mát trưa hè
Nhớ dàn nhạc của lũ ve đầu nhà.
 
Thoang thoảng mùi quê!
Thoang thoảng mùi quê!

(QBĐT) - Nắng xuân rắc vàng  trên con đường làng nhỏ bé. Làn gió từ xa ùa tới xào xạc lũy tre và đâu đây thoảng thoảng mùi hương dìu dịu, ngạt ngào.

Sớm xuân
Sớm xuân
(QBĐT) - Thắp lên ngày nắng mùa biêng biếc
Mùa xuân bắt đầu trên đôi cánh bầy ong
Gió quấn quýt trong vòm lá nõn
Tiếng cười nào cất giữa xanh trong...