38 năm gìn giữ môn nghệ thuật ca trù

  • 08:03, 23/03/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được thành lập từ tháng 8 năm 1980, câu lạc bộ (CLB) ca trù xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn đã làm sống lại nét văn hoá truyền thống của làng, góp phần gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù độc đáo của dân tộc.
 
Ca trù là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Nó tồn tại như một loại hình nghệ thuật giải trí nhưng đã trở thành một đặc sản tinh thần được lưu truyền qua các thế hệ. Ở tỉnh ta, ca trù tồn tại ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Trung. Ca trù Quảng Trung không biết có từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên thì nó đã tồn tại cách đây hàng trăm năm. Sau một thời gian dài bị quên lãng do nhiều yếu tố, đến tháng 8 năm 1980, UBND xã Quảng Trung đã có quyết định thành lập CLB ca trù xã Quảng Trung, nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đang cần được bảo vệ khẩn cấp, phát huy giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông đã để lại.
 
Lúc mới thành lập, CLB chỉ có 4 thành viên, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các thành viên CLB vẫn không nản. Gần 38 năm trôi qua, CLB vẫn được duy trì và hoạt động rất sôi nổi. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã 5 lần tham gia liên hoan các CLB ca trù cấp huyện và đạt 2 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích; ba năm liền tham gia liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh đều được Sở Văn hóa và Thể thao tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát ca trù tại Quảng Bình; tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ công chúng nhân các dịp lễ lớn của huyện, xã...
 Một buổi luyện tập của các thành viên CLB ca trù Quảng Trung.
Một buổi luyện tập của các thành viên CLB ca trù Quảng Trung.
Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng ca trù Quảng Trung vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị nghệ thuật đặc sắc của nó. Để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB, các thành viên đã xây dựng quy chế sinh hoạt, tập luyện cụ thể và đóng góp kinh phí. Ông Nguyễn Hữu Khóa, Chủ nhiệm CLB Ca trù Quảng Trung cho biết: “38 năm qua, chúng tôi luôn duy trì lịch sinh hoạt đều đặn, bình thường CLB sinh hoạt 1 tháng/1 lần, nhưng nếu có các hội diễn thì các thành viên tổ chức sinh hoạt để luyện tập thường xuyên hơn. Trên tinh thần người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết, đến nay, các thành viên CLB đã hát thành thục nhiều làn điệu, như hát nam chanh, hát phú, luyện thần trang, hát huỳnh, hát hạm... Ngoài ra, chúng tôi luôn cố gắng sưu tầm, chuyển dịch những làn điệu ca trù cổ từ chữ Hán - Nôm sang chữ Quốc ngữ cho các thành viên CLB dễ hát hơn”.
 
Tiếp xúc với các thành viên của CLB, người để lại ấn tượng nhất với chúng tôi là cụ Lê Thị Liệu, mặc dù đã 90 tuổi, nhưng giọng ca của cụ vừa khỏe khoắn, vừa lưu loát. Ngày trước, dù không biết chữ, nhưng những bài ca trù cổ đều được cụ in vào trong trí nhớ, không cần ghi chép nhưng cụ vẫn thuộc lời cho đến ngày nay. Khi được chúng tôi nhắc về ca trù, cụ rất thích nên đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm thời thanh niên đi biểu diễn ở khắp nơi và không quên hát cho chúng tôi nghe một số bài ca trù mà cụ yêu thích. Chính cụ là người có công lớn trong việc truyền dạy lại nhiều bài hát ca trù cho các thành viên mới trong CLB. 
 
Được biết, hiện CLB đang có 2 nhóm bài hát được tập luyện và biểu diễn, đó là các bài ca trù theo lời cổ được lưu truyền của các thế hệ trước, như: Thần cung đình miếu, Vị thủy nhân thân, Mời thầy mới...; nhóm các bài ca trù theo lời mới, như: Cách mạng Tháng Tám thành công, 19-5 ngày sinh Bác Hồ, Nhân sinh trong cuộc ở đời...
 
Bà Trần Thị Đơng (66 tuổi), thành viên CLB cho biết: Ca trù là một loại hình nghệ thuật khó ----hát, không giống các lối hát cổ truyền khác, cách lấy hơi trong hát ca trù tinh tế và phức tạp hơn. Để hát được loại hình nghệ thuật này, các thành viên phải luyện tập rất nhiều. Cũng vì khó hát nên thế hệ trẻ ngày nay không mấy ai mặn mà. Hiện CLB có 15 thành viên nhưng đa số là các cụ ông, cụ bà trên 60 tuổi. Mặc dù CLB được duy trì và hoạt động đều đặn nhưng vẫn còn đó những khó khăn và cả thiệt thòi.
 
Chúng tôi được biết hiện nay CLB đã lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý văn hóa để đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho 2 thành viên có nhiều cống hiến trong bảo tồn và phát huy ca trù là bà Lê Thị Liệu và bà Trần Thị Đơng nhưng hồ sơ chưa được chấp thuận. Khó khăn nữa là kinh phí hoạt động, chủ yếu do các thành viên đóng góp, trong khi đó đời sống của các thành viên còn nhiều khó khăn nên rất hạn hẹp. Hiện bộ nhạc cụ cho tập luyện chỉ có cây đàn đã cũ, thiếu bộ trống cầm chầu (nhạc cụ quan trọng để giữ nhịp) nên phần nào ảnh hưởng đến việc luyện tập và biểu diễn.
 
Để động viên tinh thần CLB, đồng thời bảo đảm việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những  người xứng đáng, mong muốn của các cụ là cơ quan quản lý văn hóa ngoài việc trao giấy khen cho tập thể thì cần có giấy khen và danh hiệu cho cá nhân xuất sắc để có điều kiện hoàn thiện hồ sơ. Mặt khác, chính quyền và các đoàn thể, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí để các cụ có điều kiện mua sắm nhạc cụ, dụng cụ và trang phục biểu diễn.
 
Hy vọng trong thời gian tới, ca trù Quảng Trung tiếp tục được bảo tồn bền vững và phát huy được giá trị truyền thống trong cộng đồng.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Xuân về với biển
Xuân về với biển

(QBĐT) - Tôi đi về phía trùng khơi

Bao la biển gọi những lời thiết tha

Sóng trào bọt nở trắng hoa

Hải âu tung cánh... đảo xa mịt mờ

 

Bài thơ hạnh phúc
Bài thơ hạnh phúc

(QBĐT) - Hạnh phúc khi ta mỉm cười

Dẫu không lành lặn nhìn đời vẫn vui.

 

Google phát động sáng kiến nâng chất lượng truyền thông, chống tin giả
Google phát động sáng kiến nâng chất lượng truyền thông, chống tin giả
Ngày 20-3, tập đoàn Google có trụ sở ở Mỹ đã chính thức phát động một sáng kiến mới với mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí, tăng cường mô hình kinh doanh của các hãng tin và giúp các tổ chức tin tức tận dụng sự đổi mới của công nghệ.