(QBĐT) - Sau bao biến động thời cuộc, ca trù – một loại hình nghệ thuật độc đáo tồn tại lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình, tưởng chừng đã chìm vào dĩ vãng, thì nhiều năm trở lại đây bộ môn nghệ thuật này được hồi sinh bởi những thành viên Câu lạc bộ (CLB) ca trù phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn.
Ngày xưa, ca trù là một trong những loại hình hát cung đình và được coi như một trong những môn nghệ thuật dành cho giới thượng lưu. Ca trù đến với Quảng Phong một cách ngẫu nhiên, năm 2001, chỉ vì yêu thích loại hình nghệ thuật này mà ông Nguyễn Cư (một cán bộ lão thành cách mạng xã Quảng Phong) cùng với một số người có chung niềm đam mê ca trù đã thành lập nên CLB ca trù Quảng Phong.
Ngày đầu mới thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn, lúc này chỉ có 4 thành viên gồm ông Nguyễn Cư và các bà Hoàng Thị Thuần, Phan Thị Nhuần, Nguyễn Thị Thương. Ông Cư là người hướng dẫn cho các thành viên cách hát các làn điệu trong ca trù, sưu tầm, sáng tác các bài hát mới phù hợp với cuộc sống hiện nay. Các thành viên cùng nhau luyện tập, sang tận xã Quảng Trung học hỏi những làn điệu hay, những câu hát mới để làm phong phú thêm nội dung của những làn điệu ca trù của CLB. “Vì không có điện thoại để hẹn trước, nhiều lúc chúng tôi qua tới nơi thì họ đi làm đồng phải chờ tới trưa mới bắt đầu học. Cũng có lúc sang thì họ bận việc lại phải quay về”, bà Nguyễn Thị Thương cho hay.
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng các thành viên CLB vẫn không nản, gần 17 năm trôi qua, CLB vẫn được duy trì và hoạt động rất sôi nổi. Không chỉ biểu diễn ở lễ hội đình làng Quảng Phong (18-1 âm lịch hàng năm) và các sự kiện trọng đại của địa phương, các thành viên còn thường xuyên luyện tập để tham gia liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh hàng năm. Năm 2016, CLB ca trù Quảng Phong vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật hát ca trù tại Quảng Bình.
![]() |
Một buổi luyện tập của CLB ca trù Quảng Phong chuẩn bị cho đêm Liên hoan các CLB ca trù toàn tỉnh 2017. |
Để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian này, các thành viên CLB đang tiếp tục truyền đạt những kỹ năng, kinh nghiệm hát ca trù cho thế hệ trẻ trong làng. Hiện CLB đã có thêm 3 thành viên trẻ tuổi từ 18 đến 25 tham gia luyện tập, trong đó có em Nguyễn Thị Vân Anh đang học lớp 12 (vì yêu thích loại hình âm nhạc này mà em đã xin gia nhập CLB để được học hỏi và tham gia biểu diễn khi có dịp).
Chia sẻ về lý do đến với ca trù, ca nương Nguyễn Thị Phương Thảo (25 tuổi) cho biết: Những năm trước đây, nghe các mệ biểu diễn ca trù, em thích lắm nhưng cứ nghĩ đó là loại hình nghệ thuật dành cho người lớn tuổi, người trẻ như em mà hát ca trù thì bạn bè cười nên em cũng ngại không muốn tiết lộ sở thích của mình. Khi được các mệ động viên, gia đình cổ vũ, em đã quyết tâm học hỏi cho bằng được loại hình âm nhạc này. Với người mới học, luyện tập ca trù có rất nhiều khó khăn bởi tiết tấu chậm, lời cổ chứ không sôi nổi hay có âm điệu dễ nghe như các dòng nhạc khác. Tuy nhiên, nhờ sự dìu dắt tận tình và tâm huyết của các mệ trong CLB, em đã hát được và đã thực sự đam mê loại hình âm nhạc này.
Vì đam mê nên các thành viên trong CLB ca trù Quảng Phong đang tiếp sức cho thế hệ trẻ để duy trì và phát triển ca trù tại địa phương. Thế nhưng, CLB vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí hoạt động. Từ khi thành lập cho đến nay, hoạt động của CLB vẫn đang dựa vào nguồn kinh phí được trích từ những lần biểu diễn và tự đóng góp của các thành viên là chủ yếu. Không có kinh phí để mua sắm trang phục, đàn, trống nên mỗi lần biểu diễn, CLB phải đi thuê, nên khá tốn kém. Các thành viên trong CLB đều là nữ nên sự chủ động và giao lưu còn hạn chế, khó để xin nguồn kinh phí hỗ trợ từ bên ngoài. Mặt khác, hiện nay CLB chưa có nhạc công nên những buổi tập luyện chỉ là tập “chay”, chưa phát huy hết tài năng của các ca nương trong CLB.
Đồng chí Nguyễn Thế Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Phong cho biết: Chủ trương của chính quyền địa phương hiện nay là chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật ca trù cho thế hệ trẻ. Chúng tôi luôn động viên, khuyến khích để phát triển những tài năng trẻ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của địa phương còn đang gặp nhiều khó khăn, vì thế chưa thể quan tâm nhiều hơn đến CLB. Nhưng vẫn mong muốn các cụ, các chị, các em trong CLB tiếp tục duy trì và gắn bó với loại hình nghệ thuật này. Đồng thời, tiếp tục truyền đạt cho lớp trẻ, thường xuyên giao lưu với các CLB khác để truyền bá rộng rãi ra bên ngoài.
Vẫn biết ngọn lửa đam mê chưa hề tắt trong các thành viên CLB, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để ca trù được duy trì và phát triển. CLB đang rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể nhằm để ca trù có được vị trí xứng đáng trong làng nghệ thuật dân tộc, để không bị mai một theo thời gian trong trào lưu phát triển của nghệ thuật hiện đại.
Thanh Hoa