(QBĐT) - Khi viết báo, ông sắc sảo, sâu cay. Khi chuyện trò, ông thẳng thắn, bộc trực nhưng vẫn pha chút hóm hỉnh: “Hãy cứ gọi tôi bằng anh, tôi vẫn còn trẻ lắm”. Vậy mà, cứ hễ nhắc đến chuyện chiến tranh, đến những trang văn đẫm mùi bom đạn của mình, khuôn mặt ông co rúm lại, đôi mắt ầng ậc nước chỉ chực chờ trào ra. Ông không giấu diếm: “Ký ức chiến tranh cứ hiện lên rờ rợ và ám ảnh tôi đến tận bây giờ”.
Nguyễn Thế Tường vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Mà lạ, lĩnh vực nào ông cũng thành công, dù đọc văn ông, chẳng thể ngờ, cái giọng văn trữ tình, đằm thắm ấy cũng là ngòi bút vừa viết nên những phóng sự chống tiêu cực sắc sảo kia. Tôi bảo với ông rằng mình thích ông với tư cách là một người viết văn hơn, bởi ở đó, tôi thấy một Nguyễn Thế Tường đằm sâu, mượt mà trên từng trang viết, nhất là khi viết về quê hương chiêm trũng Lệ Thủy và trải lòng về những ký ức thời binh lửa.
Nguyễn Thế Tường có một sự nghiệp viết lách với lỉnh kỉnh đủ thứ giải thưởng, đủ nhiều để khiến cho thế hệ đồng nghiệp trẻ như chúng tôi nhìn vào đầy ao ước và ngưỡng mộ. Nhưng, ở cái thời điểm mà người đời trưng lên đủ thứ học hàm, học vị, giải thưởng, bằng khen như một vật trang sức nặng trịch, thì lạ kỳ, trên mỗi bìa sách, hay cả khi giới thiệu về mình, ông chỉ nói vẻn vẹn vài dòng: “Nguyễn Thế Tường, Lệ Thủy, Quảng Bình, cử nhân Văn khoa, lái xe tăng cấp I”. Ngắn gọn nhưng chất đầy tự hào!
Trên cánh tay trái của mình, Nguyễn Thế Tường vẫn còn giữ nguyên hình xăm một chiếc xe tăng và ngày, tháng nhập ngũ. Ông bảo: “Ngày xưa, đi làm, có khi cũng phải mặc áo tay dài mà giấu đi, nhưng giờ, chả có gì phải giấu, đó là kỷ niệm cũ, đẹp và không bao giờ quên”.
Khi đang là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thế Tường lên đường ra trận. Ông trở thành chiến sỹ lái xe tăng thuộc Lữ đoàn 202, Quân đoàn 1. Bốn năm là lính đủ cho ông nếm trải tất thảy mọi sự buồn vui, tự hào, vất vả, cả những mất mát, đau thương về tinh thần lẫn thể xác khi đến giờ, mảnh đạn găm thẳng vào đầu vẫn khiến ông đau đớn mỗi khi trái gió, trở trời. Nguyễn Thế Tường tự nhận mình là “người cựu binh nghĩa tình và lẩn thẩn”. Và thỉnh thoảng, hằng đêm, người cựu binh ấy vẫn giật mình tỉnh dậy, thức trắng đêm “vì nỗi nhớ thời binh lửa không hiểu sao mãi mãi cứ không chịu nguôi ngoai. Và nỗi ân hận dường như đã có lúc mình không phải” (Điều không thể mất).
Ông ví những ký ức chiến chinh của mình tựa như quả ngọt, khi đạt đến độ chín sẽ rụng dần xuống. Vậy nên, Nguyễn Thế Tường không mất quá nhiều thời gian để viết nên “Hồi ức của một binh nhì” – một “quả ngọt” làm nên tên tuổi của ông và đã được dựng thành phim. Trong dòng hồi ức ấy, ông kể lại một cuộc hẹn hò băng qua nòng pháo. Vậy là công cụ của chết chóc lại trở thành cầu nối của tình yêu. Thành công của tác phẩm có lẽ xuất phát từ cái tứ hay ho ấy.
![]() |
“Hồi ức của một binh nhì” – tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Thế Tường |
Sau “Hồi ức của một binh nhì”, như thể năng lượng cá nhân được “kích hoạt”, tiếp sau đó là quãng thời gian sáng tác dồi dào khi hàng loạt các tác phẩm lần lượt ra đời. Có một dạo, Nguyễn Thế Tường cứ say sưa viết, viết như thể nếu một mai khi ông dừng bút, mọi ký ức sẽ bị dòng thời gian cuốn tuột đi mất. Ông trải lòng: “Ký ức người lính luôn ám ảnh mình một cách kì lạ. Khi tất cả những ký ức xưa cũ bật ra trên trang giấy như một dòng nước phá vỡ tung thân đê, mình viết như mộng du, nước mắt giàn dụa và khóc như một đứa trẻ”.
Rồi “Gót lữ đoàn”, “Người đàn bà không hóa đá”, “Lính giảng Kiều”, “Bến đắng” và rất nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh khác lần lượt ra đời như một sự ngoái đầu nhìn lại của ông về những tháng ngày “gian khổ biết bao và cũng đẹp biết bao - đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc lãng du không dài lắm của một đời người”. Ngay cả “Bến đắng” – tác phẩm vừa được nhận Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ V cũng viết về đề tài chiến tranh. Nhưng trong tất cả tác phẩm của mình, hiếm khi thấy ông phản ánh trực diện về cuộc chiến mà chỉ đơn thuần là những lát cắt thật nhỏ bên lề, như: số phận người đàn bà thời hậu chiến, tình yêu đôi lứa giữa bom đạn chiến tranh...
Từ chất liệu hiện thực, Nguyễn Thế Tường khéo léo dựng nên thành hình tượng nghệ thuật và tài tình là nó trở nên sinh động hơn cả nguyên mẫu. Khi viết “Hồi ức của một binh nhì”, ông thật thà bảo mình hư cấu đến 80%, nhưng lạ kỳ, mỗi người lính tăng thiết giáp đã từng đi qua thời kỳ bom đạn đều như thấy bóng hình của mình trong đó và những cô gái đã từng có những mối tình dang dở trong chiến tranh hẳn cũng sẽ rơi nước mắt. Hư cấu nhưng phải hợp tình, hợp lý và hợp với lịch sử.
Vậy nên, không sai khi nói những tác phẩm của Nguyễn Thế Tường rất đời và ngồn ngộn những ám ảnh rất con người. Không đời, không ám ảnh làm sao được khi mà người cầm bút ấy đã từng đi qua những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, nếm đủ tất thảy những nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, chứng kiến cả sự hy sinh của đồng đội ngay trước mắt mình.
Vậy nên, nhiều đêm ông không tài nào chợp mắt, rồi cứ ngẫm lại thì nước mắt cứ vô thức chảy ra. Ngay cả lúc này đây, khi chuyện trò cùng tôi, ông cao hứng kể chuyện, tay chân không ngừng vung vẩy rất đúng phong cách của Nguyễn Thế Tường, vậy mà khi nhắc đến đồng đội, ông khựng lại, một tay gỡ cặp kính, một tay lau vội giọt nước mắt đọng trên khóe mắt tự lúc nào. Rồi, ông buông mình xuống ghế, ánh mắt lảng tránh cái nhìn của người đối diện. Cảm tưởng như cả không gian lẫn thời gian đang ngưng đọng lại, bóp chặt lấy tim can của người cựu binh ấy. Vầng trán xô gập lại. Đau đớn! Phải chăng, bởi thế nên một người bạn văn đã gọi ông là “người đàn ông gàn không chịu quên bớt quá khứ”.
Nguyễn Thế Tường cứ luôn tự vấn mình rằng bốn năm quân ngũ không dài nhưng không hiểu vì sao ông lại nhiễm “máu lính” nhiều đến vậy? Một bóng dáng màu xanh áo lính thoáng qua cũng đủ khiến người cựu binh ấy bồi hồi. Trò chuyện cùng tôi, ông cứ tư lự: “Phải chăng, cái môi trường ấy nó hấp dẫn quá, ấn tượng quá, hiểm nguy mà cũng lý tưởng cho quãng đời trai trẻ quá? Mình vẫn cứ muốn mình cứ giữ nguyên cái “máu lính” trong người. Biết đâu, một ngày nào đó, đất nước cần, mình, thế hệ của mình, ở cái tuổi không còn lái được xe tăng thì cũng xin lụ khụ xách khẩu AK ra chiến hào chỉ để giữ lấy cái khu phố, cái làng trong đó có ngôi nhà, có vợ con và cháu của mình”.
Giọng Thế Tường vẫn cứ luôn tếu táo như thế, kể cả khi vui, lẫn khi buồn. Nhưng dẫu có tự hóa trang cho mình bằng một giọng điệu hoàn hảo với sự hài hước, lẫn bộc trực và sâu cay, thì đằng sau đó vẫn là một nhà văn Nguyễn Thế Tường với một trái tim nóng ấm, tình cảm, dễ khóc, dễ mủi lòng và quá nhiều hoài niệm.
Như lúc này đây, khi ngồi bên tôi cùng một người bạn đồng môn từ vài chục năm trước, ông không nhắc nhiều đến những thành công mình có được, chỉ kể chuyện đời của lính hơn 40 năm trước. Bởi một lẽ, ông tự vỗ về mình rằng hãy để cho những dòng ký ức cứ bổi hổi, bồi hồi, lấp lánh như những viên ngọc trai trong ký ức – ký ức của một binh nhì!
Diệu Hương