(QBĐT) - Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu về Hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học KHXH và NV Hà Nội) khẳng định với tôi rằng, với chiều sâu văn hóa và sức sống lâu bền của mình, hò khoan Lệ Thủy “thừa sức” để có thể trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Vậy nhưng, vì sao nhiều năm nay, hò khoan Lệ Thủy vẫn cứ loay hoay mãi với giấc mơ di sản?
Thừa... tiềm năng
Với nhiều thế hệ người dân xứ Lệ, hò khoan Lệ Thủy đã ăn sâu vào máu thịt. Dẫu có những thời điểm, điệu hò quê hương tưởng chừng như bị quên lãng nhưng như viên ngọc quý chỉ bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian, hò khoan Lệ Thủy vẫn vẹn nguyên sức sống mãnh liệt cho đến hôm nay. Nhiều năm qua, có không ít cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh vẫn ngày ngày âm thầm nghiên cứu với mong muốn bảo tồn điệu hò quê hương. Đến nay, có hàng chục tư liệu nghiên cứu về hò khoan như các cuốn sách, các bản ghi âm, ghi hình... sưu tầm các lời cổ, lời mới của 9 mái hò. Như một mạch ngầm vẫn thao thiết chảy, tại các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn, nhiều CLB hò khoan vẫn được duy trì và hoạt động thường xuyên.
![]() |
CLB nghệ nhân dân ca hò khoan biểu diễn tại hội thi. |
Được thành lập từ năm 2006, CLB Dân ca thôn Liêm Bắc (Ngư Thủy Nam) có 15 thành viên, người lớn tuổi nhất cũng đã quá lục tuần. Họ là những người đàn ông suốt cuộc đời gắn bó với biển cả, là những người phụ nữ gắn chặt đời mình với gánh gồng mưu sinh nghề biển. Thế nhưng, tự sâu thẳm trong tâm hồn của những ngư dân ấy là tình yêu ca hát và nỗi niềm đau đáu giữ lấy những làn điệu dân ca quê nhà. Điều đáng nói đây là CLB duy nhất ở tỉnh ta được địa phương giao đất để ươm cây giống, trồng kiệu và sản xuất kiệu muối trên diện tích đất được giao. Bên cạnh đó, nhiều thành viên cũng tự nguyện hiến đất để trồng trọt, làm kinh tế gây quỹ hoạt động. Chính những nỗ lực của những ngư dân miền biển ấy mà hò khơi và hò nậu xăm – điệu hò đặc trưng của ngư dân vùng biển bãi ngang đã được hồi sinh.
Cách đây không lâu, huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy đã thành lập CLB nghệ nhân dân ca hò khoan, tập hợp những nghệ nhân, những người yêu và hát hò khoan. Vừa qua, Quảng Bình có 4 nghệ nhân dân gian được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, thì đã có 2 nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Họ chính là “những kho báu sống” cho công tác bảo tồn và truyền dạy hò khoan. Theo ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lệ Thủy, trong những nỗ lực nhằm phát huy giá trị của di sản, thời gian qua, Lệ Thủy đã tổ chức nhiều hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề về hò khoan Lệ Thủy cho các cán bộ văn hóa xã, thị trấn. Vừa qua, Viện Âm nhạc Việt Nam cũng đã tiến hành ghi âm, ghi hình hò khoan Lệ Thủy như ngầm ghi nhận Hò khoan Lệ Thủy là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam và cần được bảo tồn.
Không lo thất truyền
Khi công tác bảo tồn hò khoan Lệ Thủy được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy triển khai kế hoạch đưa hò khoan Lệ Thủy vào trường học gồm năm bước - năm nội dung trong một chương trình, một kế hoạch có tính dài hơi. Đó là: tổ chức tập huấn; sưu tầm; thành lập các CLB trong các trường học; quảng bá, giới thiệu và tổ chức các hội thi, các buổi liên hoan hát hò khoan. Ngay khi mới bắt đầu, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên âm nhạc tại các trường học đóng trên địa bàn, trong đó, người đứng lớp chính là những nghệ nhân hò khoan. Tháng 11-2012, lần đầu tiên, Phòng GD-ĐT tổ chức liên hoan dành cho học sinh khối tiểu học với tên gọi Em hát dân ca thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Có lẽ không một chương trình văn hóa truyền thống nào được đón nhận nhiệt tình bởi chính những thế hệ trẻ hôm nay như hò khoan xứ Lệ. Và như ngọn lửa ấm mạnh mẽ lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hò khoan Lệ Thủy dần len lỏi vào các trường học, rồi dần dà trở thành một phong trào văn hóa – văn nghệ mà ở đó hạt nhân chính là các em học sinh đang trên ghế nhà trường.
![]() |
CLB Dân ca thôn Liêm Bắc (Ngư Thủy Nam) góp phần phục hồi điệu hò khơi và hò nậu xăm. |
Đến hôm nay, người Lệ Thủy có thể tự hào, ở tất cả các trường học cả ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) đều có các CLB hò khoan. Tiếng hò vang vọng từ trong các lớp học, trên sân trường, từ chính những em nhỏ đọc chưa tròn vành, rõ chữ. Những người đam mê với điệu hò xứ Lệ có quyền hy vọng rằng mạch ngầm văn hóa quê hương sẽ luôn được nối dòng và bền bỉ chảy trong chính đời sống hôm nay.
Bao giờ “cá chép hóa rồng”?
Giá trị và tiềm năng sẵn có là thế, nhưng một câu hỏi được đặt ra là tại sao đến thời điểm này, hò khoan Lệ Thủy vẫn chưa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia? Trả lời cho câu hỏi đó, ông Đặng Ngọc Tuân, một người con của quê hương Lệ Thủy, đồng thời là tác giả cuốn Hò khoan Lệ Thủy (cuốn “giáo trình” giảng dạy hò khoan Lệ Thủy trong các trường học – PV) thẳng thắn nhìn nhận: “Một trong những khâu quan trọng để đưa một di sản văn hóa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là khâu làm hồ sơ để xét duyệt. Thế nhưng, có vẻ như các cấp chính quyền, ban ngành chuyên môn chưa quyết liệt, ráo riết trong việc này. Để không “chậm chân” trong những đợt xét duyệt tiếp theo, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng do những đặc điểm về vị trí địa lý và văn hóa nên hò khoan Lệ Thủy thường được đặt chung trong dân ca Bình Trị Thiên, không được các nhà nghiên cứu phân thành không gian riêng thật căn bản. Đó cũng là một thiệt thòi nhất định trong nghiên cứu và truyền thông. Đã đến lúc phải trả hò khoan Lệ Thủy về đúng vị trí và giá trị độc lập của nó. |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lệ Thủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã định hướng bảo tồn và phát triển hò khoan vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng để nghị quyết được hiện thực hóa trong chính đời sống văn nghệ hiện nay, thì các cấp chính quyền của Lệ Thủy cần có một kế hoạch cụ thể, dài hơi, trong đó, phải kể đến sự “bắt tay”, cùng nhảy vào cuộc của nhiều ban, ngành có liên quan. Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: tháng 9-2015, UBND huyện Lệ Thủy đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tổng hợp tỉnh xem xét, lập hồ sơ công nhận hò khoan Lệ Thủy là di sản văn hóa phi vật thể. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía các bên có liên quan.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch lại cho rằng việc lập hồ sơ để đưa một loại hình văn hóa nào đó vào danh mục di sản Văn hóa phi vật thể không phải là việc “một sớm, một chiều”, mà cần có nhiều thời gian. Rõ ràng, đang có một sự rời rạc, thiếu đồng bộ và chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành có liên quan để cùng biến giấc mơ di sản thành hiện thực.
Trong chuyến khám phá nét đẹp văn hóa quê hương xứ Lệ, chúng tôi đã gặp nhiều nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, những con người tâm huyết ấy luôn ao ước đến một ngày, điệu hò quê hương sẽ được tôn vinh ở vị trí xứng đáng. Đó cũng là niềm mong mỏi lớn lao của bao thế hệ người dân nơi đây. Rõ ràng, để làm được điều này, sự quan tâm của chính quyền địa phương có tác dụng rất lớn, không chỉ trong các nghị quyết, quyết định, kế hoạch... dài hơi, mà còn là những động thái, hành động cụ thể, thường xuyên, tập trung, tránh sự lan man, thiếu đồng bộ và nhất quán.
Diệu Hương