Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Xuân Bé: "Muốn gửi lại cho đời một chút hồn tôi"

  • 08:04, 06/04/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Anh bày ra trước mắt tôi tập sách ảnh “Hương đất” (NXB Thuận Hóa 2015) với gần 60 tác phẩm đã được chọn lọc trong suốt cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật của anh. Đó là nguồn thông tin bằng hình ảnh sinh động về quê hương - đất nước - con người Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới và phát triển được hiện rõ.

Anh công tác ở Ty Văn hóa Quảng Bình từ năm 1966, là phóng viên Báo Văn hóa - Đời sống, nhưng mãi đến năm 1974 anh mới chính thức tham gia nhiếp ảnh nghệ thuật sau khi được cử đi học tại Xưởng phim nhiếp ảnh Hà Nội. Con đường dẫn lối vào nghề nhiếp ảnh của Võ Xuân Bé có chút muộn mằn hơn so với các đồng nghiệp khác, nhưng bù lại niềm đam mê nhiếp ảnh đã hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo trong anh. Từ khi chính thức ghi tên mình vào hàng ngũ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, bàn chân anh đã in dấu trên nhiều ngả đường của Tổ quốc, đó như một sự đền đáp cho quê hương đã cưu mang, nuôi dưỡng mình khôn lớn, và anh đã dành tình cảm cho quê hương qua ống kính.

Bến sông quê
Bến sông quê

Từ năm 1975 đến nay, anh đã có những thay đổi lớn trong cách thể hiện, phương pháp sáng tác. Anh có cách nhìn “đời” mang tính nghệ thuật hơn. Những sáng tác của anh có sự chọn lọc, sự tinh tế của người nghệ sỹ nhiếp ảnh. Những bức ảnh của anh không chỉ là sự ghi chép đơn giản về những điều đang diễn ra mà là một sự chọn lựa kỹ càng về ánh sáng, góc độ, bố cục trong mỗi đề tài mà anh lựa chọn. Ống kính của anh hướng đến hầu hết các thể loại phong cảnh, chân dung, từ ảnh sinh hoạt đến sản xuất...

Lướt qua gần 60 bức ảnh chọn lọc trong hàng ngàn bức ảnh mà nghệ sĩ Võ Xuân Bé đã ghi lại khoảnh khắc đẹp của đời sống thường nhật, có thể nhận thấy góc nhìn qua ống kính rung động và sâu lắng nhất của anh chính là hồn quê. Hình và cảnh trong ảnh phong cảnh của anh không hề đứng yên, mà lung linh, sống động. Các bức ảnh: Cửa đông thành Đồng Hới, Mùa vàng Phong Nha, Rau Hồng Thủy, Rô bốt đồng quê có sự hòa quyện giữa trời, mây, sông nước với những khoảng không gian sáng tối đan xen, bố cục hợp lý để người đọc cảm nhận sự bao la của trời đất và dấu ấn của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ. Bức ảnh: Lên Thiên Đường, Động Phong Nha... được thu ống kính vào một góc nhìn hẹp để đặc tả sự kỳ diệu của tạo hóa đã ban tặng, làm nổi bật vẻ đẹp huyền bí của hang động Quảng Bình... Tác phẩm của Xõ Xuân Bé luôn để lại cảm giác bình yên trong lòng người xem như: Xóm núi, Bên bờ sông Son, Điểm hẹn, Thỏa thích... Nhiều bức ảnh của anh đã đoạt giải cao và có mặt trong các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc, khu vực như: Tầm cao mới, Bến sông quê, Chằm nón, Nhịp điệu công trình, Khi phố ngủ...

Nhịp điệu công trình
Nhịp điệu công trình

Với nhiều thành tích đạt đươc: 5 giải ảnh cấp tỉnh; 6 giải tại Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh Bắc miền Trung; 3 lần đạt giải Lưu Trọng Lư (Giải thưởng về văn học nghệ thuật cao nhất của tỉnh Quảng Bình), 4 ảnh treo tại triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc, 1 giải thưởng cấp quốc gia, hàng trăm ảnh được đăng trên các báo, tạp chí có uy tín ở Trung ương và địa phương, năm 2006, Võ Xuân Bé đã trở thành hội viên Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Anh là Ủy viên BCH Hội VHNT Quảng Bình qua nhiều khoá, Phân hội trưởng Phân hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Quảng Bình nhiều nhiệm kỳ.

Ở tuổi 70, anh vẫn dồn thời gian, công sức và những đồng tiền chắt chiu từ lương hưu, để cho ra mắt công chúng tập sách ảnh “Hương đất”, như tâm sự của anh với bạn bè: "Muốn gửi lại cho đời một chút hồn tôi"...

Tiến Hành

tin liên quan

Năm nhà thiết kế lừng danh "đổ bộ" tuần thời trang tại Việt Nam
Năm nhà thiết kế lừng danh "đổ bộ" tuần thời trang tại Việt Nam

Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam-Vietnam International Fashion Week 2016 Xuân Hè 2016 với 19 show diễn được đầu tư công phu sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26-04, tại GEM Center – một trong những tòa nhà sang trọng bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Với Lệ Sơn...
Với Lệ Sơn...

(QBĐT) - Mêng mang sông núi Lệ Sơn*
Nhớ bầy chim phượng, đón cơn gió chiều.
Thương đàn em nhỏ đáng yêu
Bên sông đùa nắng, cánh diều giỡn mây

Sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ trong trường ca của Hoàng Bình Trọng
Sự kết hợp giữa văn xuôi và thơ trong trường ca của Hoàng Bình Trọng

(QBĐT) - Trong lời giới thiệu tập Trường ca về Tướng Giáp - Người Anh cả của toàn quân của Hoàng Bình Trọng (NXB Kim Đồng, 2009), Trần Đăng Khoa nhận xét: "...Hoàng Bình Trọng có lối đi riêng. Anh không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Đã thế, anh còn chọn loại văn rất mộc để khắc họa chân dung của một thiên tài. "Loại văn rất mộc" là loại văn gì? Lối nào là "lối đi riêng" của Hoàng Bình Trọng? Điều đó nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn còn để ngỏ.