Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa": Những chuyển biến đáng khích lệ

  • 08:03, 31/03/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trao đổi với chúng tôi về kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ở tỉnh ta, ông Trương Tấn Minh, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian gần đây, phong trào TDĐKXDĐSVH có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Phong trào tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, Hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân”.

Phong trào TDĐKXDĐSVH có quy mô rộng rãi toàn quốc, được phát động từ năm 2000 đến nay. Phong trào có ý nghĩa rất lớn bao hàm nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa của xã hội. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động là một trong 7 nội dung của phong trào này. Năm 2015. Ban chỉ đạo các cấp có nhiều đổi mới trong việc điều hành.

Các nội dung phong trào gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhờ đó phong trào đạt được  những hiệu quả mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đến nay, tỷ lệ hộ đạt “Gia đình văn hóa” đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn văn hóa, khu phố văn hóa”  vượt chỉ tiêu.

Các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền vận động, nhân rộng các gương điển hình trên tất cả các lĩnh vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo môi trường sống lành mạnh cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Để đạt được kết quả trên, trước hết, Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của phong trào theo kế hoạch . Hầu hết các huyện, thành phố, thị xã đều củng cố ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng phong trào giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020.

Lễ hội múa bông chèo cạn do thành phố Đồng Hới tổ chức.
Lễ hội múa bông chèo cạn do thành phố Đồng Hới tổ chức.

Công tác triển khai thực hiện phong trào luôn có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, thành viên ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2015, các cơ quan, đơn vị đã lồng ghép thực hiện tốt nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH với nhiệm vụ chuyên môn.

Nổi bật có Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức 7.912 cuộc tuyên truyền cho 357.660 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, cấp phát 113.004 cuốn luật, nghị quyết, chỉ thị, sổ tay pháp luật, các tài liệu liên quan. UBMTTQ Việt Nam tỉnh biên soạn, cấp phát 6.539 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật cho cán bộ Mặt trận các cấp, tổ chức xây dựng 236 điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, 405 mô hình điển hình về phát huy dân chủ, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân.

Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 2.178 buổi sinh hoạt chuyên đề với nhiều nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú. Hội Phụ nữ các cấp hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thông qua việc giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới và văn minh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với từng đơn vị lồng ghép đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH với các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn trong quân đội.

Sau nhiều năm thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH không ngừng phát triển. Kinh tế từng bước được ổn định, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chủ trọng, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được quan tâm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hàng năm giảm đáng kể. Phong trào khuyến học khuyến tài, đền ơn đáp nghía, từ thiện nhân đạo được nhân dân đồng tình hưởng ứng rộng khắp.

Năm 2015 toàn tỉnh có 180.021/224.892 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 80%, có 818 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt tỷ lệ 64,5%, tăng 73 thôn, bản, tổ dân phố so với năm 2014. Nhân dân đã phát huy tốt vai trò tự quản, đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn hoạn nạn. Việc xây dựng các quy ước thôn - tổ dân phố đã phát huy được hiệu quả. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn phát huy, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.

Trong nhiều nội dung của phong trào TDĐKXDĐSVH, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đánh giá cao. Ở đây có vai trò rất lớn của tổ chức Mặt trận các cấp.

Cuộc vận động được triển khai đồng bộ từ thành thị đến nông thôn và ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt cuộc vận động gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực.

Mặt trận các cấp đã triển khai thực hiện mô hình “5 đoàn kết, 3 trong sạch”, vận động 250.113 ngày công, nhân dân hiến 1.771.720, 6m2 đất và tháo dỡ hàng trăm công trình để làm đường giao thông nông thôn, huy động nhân dân đóng góp 539.031,5 triệu đồng, tham gia xây dựng trên 100 công trình văn hóa trị giá hàng tỷ đồng. Huyện Quảng Ninh có gần 100% làng, thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa.

Ông bà Phan Hải ở Lý Hòa, Hải Trạch (Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng mô hình nhà tổ chức sự kiện, kinh phí thu được từ dịch vụ trang trải cho hoạt động văn hóa công ích của làng, của xã, làm cho hoạt động của nhà văn hóa luôn mang tính bền vững.

Tuy nhiên, hạn chế của phong trào TDĐKXDĐSVH là chưa phát triển đồng đều giữa các vùng, miền, một số địa phương chỉ dừng lại ở việc phát động và ban hành văn bản. Việc bình xét gia đình văn hóa ở một số nơi chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra còn lỏng lẻo, kinh phí giành cho phong trào các cấp còn thiếu trầm trọng. Cán bộ chuyên trách phong trào ở một số địa phương còn yếu, lại có sự thay đổi đột xuất nên công tác tham mưu còn lúng túng, không nắm được quy trình hồ sơ, thủ tục công nhận các danh hiệu văn hóa.

Năm 2016, năm đầu tiên triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, cần có nhiều giải pháp mới để đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH . Đây là thời điểm các địa phương tổng kết phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2010 - 2015, tiến tới hội nghị tổng kết toàn quốc vào quý IV năm 2016.

Để phong trào tiếp tục phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, Ban chỉ đạo Trung ương nên có bộ tiêu chí mới để bình xét các danh hiệu văn hóa phù hợp với thực tiễn, hạn chế tối đa sự dễ dãi, xuề xòa, tránh sự cào bằng trong việc xét, bình chọn các danh hiệu văn hóa; triển khai hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm; đưa chỉ tiêu việc thực hiện phong trào vào nghị quyết của cấp ủy Đảng,và các chương trình phát triển văn hóa xã hội của địa phương; tăng cường sự quản lý, chỉ đạo,điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Ban chỉ đạo các cấp cần có kế hoạch tổ chức khen thưởng tôn vinh những điển hình, tấm gương sáng trong việc thực hiện phong trào.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm giành nguồn kinh phí phù hợp để tổ chức những hoạt động văn hóa rộng rãi phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng... Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục thu được kết quả tích cực mới.

Phan Hòa
 
 

tin liên quan

Lần đầu trưng bày có hệ thống kim sách tiêu biểu triều Nguyễn
Lần đầu trưng bày có hệ thống kim sách tiêu biểu triều Nguyễn

Trưng bày chuyên đề "Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)" đã chính thức khai mạc ngày 31-3 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Lễ hội Đền Hùng 2016 từ chối các lễ vật có kích thước kỷ lục
Lễ hội Đền Hùng 2016 từ chối các lễ vật có kích thước kỷ lục

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Lễ hội Đền Hùng đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo sáng 30-3 giới thiệu các nội dung, chương trình tổ chức Lễ giỗ tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Nghi lễ cấp sắc của người Dao trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Tối 29-3, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghi lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Thái Nguyên và trao tặng danh hiệu ​nghệ nhân ưu tú, vinh danh ​nghệ s​ỹ ưu tú.