Nghệ sỹ Việt-Hàn-Đức dựng kịch múa "800 năm hẹn ước"

  • 09:11, 27/11/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Theo thông tin từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, nghệ sỹ của ba quốc gia gồm Việt Nam, Hàn Quốc và Đức cùng hợp tác thực hiện vở kịch múa mang tên "800 năm hẹn ước" về hậu duệ của nhà Lý hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc.

Kịch múa "800 năm hẹn ước" với sự kết hợp nhuần nhuyễn, hòa quyện của các nghệ sỹ của 3 quốc gia với ba thể loại nghệ thuật sẽ ra mắt khán giả vào ngày 1-12, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 4-12 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ-Hà Nội.

Vở kịch múa có sự tham gia của nữ nghệ sỹ múa, biên đạo Chun Yoo Oh người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; nghệ sỹ kịch Bùi Như Lai của Nhà hát Tuổi trẻ; nhạc sỹ, nghệ sỹ piano Peter Schindler đến từ Đức; 2 nghệ sỹ đàn cello.

Nghệ sỹ múa Chun Yoo Oh sinh sống tại Việt Nam và đang tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa Việt-Hàn. Bà đã lấy câu chuyện có thật mang tính chất lịch sử về hoàng tử Lý Long Tường làm chất liệu cho vở kịch múa "Hẹn ước 800 năm."

Đặc biệt, tác phẩm lần này là cũng là sự tái ngộ của bà với đạo diễn Jung Sun Goo - người đã từng ra mắt tác phẩm múa "Công chúa Mỵ Châu" tại Việt Nam vào tháng 6-2015 và Chun Yoo Oh thực hiện phần biên đạo.

Diễn viên kịch nói Bùi Như Lai là một diễn viên chính kịch với hơn 10 năm kinh nghiệm trên sàn diễn kịch nói. Anh là một diễn viên nhận được nhiều giải thưởng về diễn xuất. Ngoài ra nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ biểu diễn đàn piano, organ cho tác phẩm lần này là ông Peter Schindler - một nghệ sỹ Piano, Jazz người Đức.

"800 năm hẹn ước" là câu chuyện lịch sử xúc động về cuộc đời vị hoàng tử cuối cùng của nhà Lý- Lý Long Tường.

Phần biên đạo vở kịch múa này do đạo diễn người Hàn Quốc Sun-Goo Jung và nghệ sỹ Chun Yoo Oh thực hiện, sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ, khai thác các sáng tạo nghệ thuật, kết hợp giữa nghệ thuật múa với kịch nói và biểu diễn âm nhạc trực tiếp trên sân khấu.

Theo lịch sử, năm 1226, hoàng tử Lý Long Tường nước Đại Việt đã vượt sóng dữ đến miền biển xa lánh nạn. Sau chuyến hải trình dài, ông đã đến được vùng đất Ongjin bán đảo Triều Tiên (nước Goryeo lúc bấy giờ). Hoàng tử Lý Long Tường đã giúp người dân bản địa chống trả hải tặc và giúp đỡ họ trong đời sống.

Ngoài ra, khi quân Mông Cổ tấn công, ông đã đẩy lùi được quân thù. Vào thời Goryeo, ông được phong chức quan cao, các con trai của ông cũng được cai quản nhiều vùng đất lớn và cấp tước vị cao. Sau gần khoảng 800 năm, đến thời điểm hiện nay có khoảng 2.000 người là hậu duệ con cháu triều đại nhà Lý đang sống tại Hàn Quốc.

Chương trình kịch múa "800 năm hẹn ước" phát hành vé mời cho khán giả yêu mến loại hình này tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh./.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

"Tiếng thơ ai động đất trời"...
"Tiếng thơ ai động đất trời"...

Năm 2015, kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, ta lại nhớ đến bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1965 cách đây 50 năm khi nhà thơ vào tuyến lửa Quân khu IV. Cũng năm đó thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của tác giả Truyện Kiều bất hủ. Thật lạ, tên của bài thơ trang trọng như một lời đề từ: "Kính gửi cụ Nguyễn Du" của một lớp hậu thế với một bậc tiền nhân, trong mạch cảm hứng tri ân sâu sắc:

Tọa đàm "Nguyễn Du với Quảng Bình"
Tọa đàm "Nguyễn Du với Quảng Bình"

(QBĐT) - Ngày 27-11, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức buổi tọa đàm "Nguyễn Du với Quảng Bình" nhân kỷ niệm 250 ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015).

Xuân xưa mẹ trồng
Xuân xưa mẹ trồng

(QBĐT) - Tình nào ngọt lịm hơi men
Nghĩa nào rụng xuống lãng quên nhọc nhằn
Mẹ ngồi đếm giọt mưa xuân
Đắn đo năm tháng xoay vần tuổi con