Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Cần xây dựng bia tưởng niệm tại bến phà 2 Trúc Ly

  • 07:04, 26/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm chống Mỹ cứu nước, bến phà 2 Trúc Ly cùng bến phà Quán Hàu (Quảng Ninh) là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Bến phà 2 Trúc Ly hình thành là giải pháp tích cực nhằm phân tán mục tiêu của địch, góp phần giữ vững huyết mạch giao thông.
 
Ông Nguyễn Lưu (bên phải), chiến sĩ dân quân trực chiến thôn Trúc Ly những năm chiến tranh ác liệt cùng ông Đặng Quốc Trị, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quảng Ninh tại vị trí bến phà 2 Trúc Ly năm xưa.
Ông Nguyễn Lưu (bên phải), chiến sĩ dân quân trực chiến thôn Trúc Ly những năm chiến tranh ác liệt cùng ông Đặng Quốc Trị, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quảng Ninh tại vị trí bến phà 2 Trúc Ly năm xưa.
Do cường độ ném bom, bắn phá có tính hủy diệt bến phà Quán Hàu ngày càng tăng, đầu năm 1967, bến phà 2 Trúc Ly, xã Võ Ninh được hình thành. Nhiệm vụ của bến phà 2 Trúc Ly là chuyên chở người, xe, lương thực, vũ khí và quân trang quân dụng qua sông Nhật Lệ, đoạn từ thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh qua thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh. Để ngăn chặn đường tiếp tế của ta, hàng ngày, giặc Mỹ bắn phá, thả bom nổ chậm, bom từ trường, thủy lôi, cây nhiệt đới... xuống khúc sông này.
 
Trước tình hình đó, xã Võ Ninh bố trí lực lượng dân quân thôn Trúc Ly thường xuyên trực chiến tại bến phà. Do ban ngày phà, ca nô không chạy được nên các tổ dân quân túc trực chèo đò đưa người và lương thực, vũ khí súng đạn vượt sông. Từ năm 1967-1972 đã có không biết bao nhiêu chuyến đò đưa bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng con em K8 thuộc huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, con em K10 thuộc khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị) sơ tán ra các tỉnh phía Bắc đã vượt sông tại bến phà 2 Trúc Ly…
 
Đã có nhiều tấm gương dân quân Võ Ninh dũng cảm sẵn sàng xả thân để thông sông, thông tuyến bảo toàn tính mạng cho hàng nghìn người vượt sông. Đặc biệt, tổ cảm tử rà phá từ trường, thủy lôi gồm các đồng chí: Nguyễn Xảo, Lê Lô, Trần Xự, Phạm Chạy, Nguyễn À đã được tổ chức làm lễ truy điệu sống trước khi xuống ca nô (do huyện đội Quảng Ninh cấp) để rà phá thủy lôi, bom từ trường. Nhiều lần các đồng chí đã trở về an toàn, các chuyến đò vượt sông thông tuyến.
 
Ngày 19/10/1967, tổ rà phá bom mình tiếp tục xuất kích để “thông đường”, không may, lần này ca nô trúng thủy lôi, các đồng chí Nguyễn Xảo, Lê Lô, Nguyễn À đã anh dũng hy sinh, đồng chí Phạm Chạy bị thương nặng. Liệt sỹ Nguyễn Xảo là đảng viên, Trung đội phó dân quân phụ trách tổ cảm tử, người trực tiếp cầm lái sau đó được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
 
Cũng những năm đó, phía bờ Bắc của bến phà 2 Trúc Ly, có đồng chí Hà Văn Cách, thôn Vĩnh Tuy, là dân quân xã Vĩnh Ninh chuyên mở bom nổ chậm để thông xe, thông đường, thông phà qua bến phà 2 Trúc Ly. Năm 1968, khi đang mở quả bom thứ 50 thì bom nổ, đồng chí hy sinh. Sau đó, đồng chí Hà Văn Cách được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
 
Đã mấy chục năm trôi qua, người dân xã Võ Ninh cùng Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu TNXP huyện Quảng Ninh rất mong muốn cấp trên, các tổ chức đoàn thể xây nhà bia tưởng niệm hoặc một tấm bia tại bến phà 2 Trúc Ly để ghi danh, lưu lại cho các thế hệ con cháu biết đến một địa danh lịch sử trên quê hương Quảng Ninh anh hùng.
 
Thái Toản

tin liên quan

Biển Nhật Lệ sẵn sàng đón du khách
Biển Nhật Lệ sẵn sàng đón du khách

(QBĐT) - Sau nội dung phản ánh trên Báo Quảng Bình điện tử ngày 11/4 về tình trạng mất vệ sinh, cảnh quan nhếch nhác tại bãi biển Nhật Lệ, UBND TP. Đồng Hới đã chỉ đạo đơn vị, cơ quan liên quan kịp thời chỉnh trang, trả lại diện mạo sạch đẹp và khang trang để biển Nhật Lệ sẵn sàng đón du khách.

Hộp thư toà soạn
Hộp thư toà soạn

(QBĐT) - Trong tháng 3/2022, Tòa soạn Báo Quảng Bình đã nhận được tin, bài, ảnh qua bưu điện và hộp thư điện tử của các cộng tác viên sau:

Lời thỉnh cầu từ những người đã khuất
Lời thỉnh cầu từ những người đã khuất

(QBĐT) - 75 năm trước, ngày 29/11/1947, thực dân Pháp gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) khiến cho hơn 300 người dân vô tội chết oan khuất. Gần một năm sau đó, ngày 19/3/1948, giặc Pháp tiếp tục đưa 4 "hạt giống đỏ" cơ sở cách mạng làng Mai Hạ, xã Xuân Thủy xử bắn, cũng tại chân cầu Mỹ Trạch. Họ mất đi, nhưng những đóng góp của họ cho sự nghiệp cách mạng... đến tận bây giờ vẫn chưa được vinh danh.