Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai

  • 08:12, 16/12/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 17-10-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Quỹ phòng, chống thiên tai thành lập ở cấp tỉnh, đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận...
 
Cụ thể, nghị định này quy định về việc thành lập; đối tượng và mức đóng góp; quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đang sinh sống, hoạt động hoặc tham gia phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
 
Nguyên tắc hoạt động của quỹ phải bảo đảm đúng mục đích, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Tồn quỹ cuối năm được chuyển sang năm sau. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập cơ quan quản lý quỹ. Cơ quan quản lý quỹ đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
 
Giám đốc quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của quỹ; ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trực thuộc tổ chức công tác thu quỹ...
Một nhà dân ở huyện Lệ Thuỷ bị bão số 10, năm 2013 tàn phá.
Một nhà dân ở huyện Lệ Thuỷ bị bão số 10, năm 2013 tàn phá.
Theo nghị định này, mức đóng góp quỹ được quy định như sau: Đối với các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập, mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hằng năm, nhưng tối thiểu là 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. 
 
Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng một ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp; người lao động trong các doanh nghiệp đóng một ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; người lao động khác thì đóng 15.000 đồng/người/năm. Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện cho quỹ.
 
Nghị định cũng quy định rõ 9 đối tượng được miễn đóng góp gồm:
 
1- Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;
 
2- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ;
 
3- Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
 
4- Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung, dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung học, Dạy nghề;
 
5- Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
 
6- Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong một năm trở lên;
 
7- Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn;
 
8- Hợp tác xã không có nguồn thu;
 
9- Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị, phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên...
 
Nghị định nêu rõ, Quỹ phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp tỉnh, do UBND cấp tỉnh quản lý. Quỹ sẽ chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai như: Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, cụ thể là cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai... Quỹ cũng được chi hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai như sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến...
 
Nghị định này thay thế Nghị định số 50/CP ngày 10-5-1997 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành từ ngày 8-12-2014.
 
V.M (tổng hợp)
 
 

tin liên quan

Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho bà Nguyễn Thị Hồng theo đúng quy định hiện hành
Điều chỉnh thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho bà Nguyễn Thị Hồng theo đúng quy định hiện hành

(QBĐT) - Báo Quảng Bình vừa nhận được đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Thạch Hạ, xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) đề nghị UBND huyện Lệ Thủy xem xét các nội dung ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)…

Điện lực Đồng Hới đã tiếp nhận giải quyết kiến nghị của khách hàng một cách thỏa mãn, thấu đáo
Điện lực Đồng Hới đã tiếp nhận giải quyết kiến nghị của khách hàng một cách thỏa mãn, thấu đáo

(QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được đơn phản ánh của bà Trần Thị Đào, tổ dân phố 5, phường Hải Đình, TP. Đồng Hới với nội dung như sau: Điện lực Đồng Hới thay thế đồng hồ (công tơ) 2 lần đều có sai sót, không có thông báo treo tháo thiết bị và biên bản treo tháo thiết bị; hóa đơn thể hiện chỉ số của 2 đồng hồ cũ và mới không có xác nhận chốt số với bên mua bán điện ký

Các dạng tham nhũng phổ biến
Các dạng tham nhũng phổ biến

(QBĐT) - Hỏi: Xin cho biết các dạng tham nhũng phổ biến là những dạng tham nhũng được xác định như thế nào?