(QBĐT) - Chiều 25/10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận.
Góp ý về nguyên tắc hành nghề công chứng, ngoài các nguyên tắc đã được quy định tại Điều 4, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ ‘‘hoặc hành vi do mình từ chối’’ vào đoạn cuối khoản 4, Điều 4, thành: "Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện hoặc hành vi do mình từ chối".
Theo đồng chí, trong lĩnh vực công chứng, có trường hợp công chứng viên (CCV) đã thực hiện công chứng đối với việc mà theo quy định không được công chứng hoặc hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ. Nhưng cũng có trường hợp CCV tùy tiện từ chối công chứng, từ chối tiếp nhận hồ sơ... ngay cả khi hồ sơ yêu cầu công chứng đã đầy đủ, đúng quy định. Hai hình thức biểu hiện này đều gây ra hậu quả, làm thiệt hại cho người có yêu cầu công chứng, vì vậy, việc bổ sung trên là cần thiết.
![]() |
Đối với quy định tuổi bổ nhiệm CCV, ý kiến nêu rõ, so với dự thảo trước, thì dự thảo lần này vẫn giữ nguyên quy định về độ tuổi đề nghị bổ nhiệm CCV và tuổi được hành nghề công chứng là gần ngang bằng nhau (bổ nhiệm không quá 70 tuổi và miễn nhiệm quá 70 tuổi). Vì vậy, để thống nhất và phù hợp, bảo đảm tính khả thi, đồng chí đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định tuổi bổ nhiệm CCV và tuổi hành nghề công chứng nên chênh lệch nhau ít nhất là 5 tuổi. Để khi CCV được bổ nhiệm ít nhất hành nghề được 3-5 năm mới hết tuổi hành nghề.
Về văn phòng công chứng (VPCC), đồng chí chọn phương án 1. Theo đó, việc quy định như dự thảo luật sẽ mở rộng sự lựa chọn cho CCV khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển VPCC ở những địa bàn vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên theo đồng chí, để thuận tiện, thống nhất trong áp dụng, đề nghị xem xét để quy định tiêu chí, nguyên tắc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, dịch vụ chưa phát triển.
Khoản 6, Điều 17 dự thảo luật quy định: “CCV của Phòng Công chứng chỉ được tham gia thành lập VPCC mới hoặc làm thành viên hợp danh của VPCC khác hoặc đề nghị thành lập VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân sau thời hạn ít nhất 2 năm kể từ ngày không còn là CCV của Phòng công chứng...”. Phân tích các nội dung liên quan, đồng chí cho rằng, việc quy định giới hạn 2 năm như dự thảo là không phù hợp và không bảo đảm tính tương quan. Quy định này có thể dẫn đến việc một số trường hợp CCV thực hiện đúng quy định của pháp luật lại bị hạn chế quyền và không bình đẳng với những CCV mới được bổ nhiệm, vô tình bỏ phí lực lượng CCV này.
Đối với nội dung giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng tại Điều 74, đồng chí dẫn chứng về 2 loại hình tổ chức công chứng với cơ cấu tổ chức bộ máy và vị trí khác nhau và những quy định liên quan. Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị luật cần quy định đầy đủ, cụ thể hơn việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động công chứng để bảo đảm phù hợp.
Ngọc Mai (lược ghi)