(QBĐT) - Ngày 6/11, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia chất vấn nhiều nội dung.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung.
Buổi sáng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã chất vấn về việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Theo đó, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã đặt ra nhiều yêu cầu đối với việc CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN. Tuy nhiên theo đại biểu, việc triển khai còn rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra. Đặc biệt, cơ quan thanh tra đã kết luận nhiều DN Nhà nước có sai phạm trong CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm đối với thực trạng nêu trên.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gây thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Nghị quyết cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, trong báo cáo Chính phủ chưa làm rõ việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thủ tướng Chính phủ làm rõ về nội dung này.
Trả lời vấn đề chậm thoái vốn DN Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong nhiệm kỳ tiến hành CPH chậm do nhiều nguyên nhân. Như DN muốn mua vốn của DN CPH thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng” nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn DN; phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá… các bộ, ngành, DN chưa trình phương án CPH nên dẫn đến chậm thực hiện.
Nội dung chất vấn tiếp theo của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã được tổng hợp và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời, làm rõ cùng các ý kiến liên quan khác.
Đại biểu Trần Quang Minh chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Buổi chiều, chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Trần Quang Minh cho biết, hiện nay quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các DN và cử tri rất quan tâm. Trước đây, nhiều ĐBQH đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của kỳ họp, đại biểu đã có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc phải hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/giờ, như vậy là chưa tối ưu trong vận tải và thời gian lưu thông
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120km/h, 100km/h, 80km/h và 60km/h. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/h như tuyến Hạ Long-Móng Cái, Hà Nội-Hải Phòng.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn. Từ đầu năm 2023, bộ đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80km/h có thể nâng lên 90km/h. Bộ GTVT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
(QBĐT) - Sáng nay, 5/11, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới (Chỉ thị số 01) do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Ngày 4/11, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2023 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung quan trọng khác.