(QBĐT) - Sáng nay, 16/10, Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính (Tổ công tác) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ hai trực tuyến với các địa phương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
![]() |
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, phiên họp nhằm nắm bắt, lắng nghe những nội dung đã làm được, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ này, đồng chí đề nghị các địa phương tập trung phân tích khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, định hướng, cam kết các nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023. Làm tốt công tác CCTTHC sẽ đẩy nhanh việc thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, nâng cao độ tin cậy của doanh nghiệp (DN) và người dân (ND), nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Phiên họp đã được nghe báo cáo đánh giá tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) phục vụ ND, DN tại các bộ, ngành, địa phương.
|
Theo đó, thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp DVC đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng ND, DN cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của ND, DN ngày càng được cải thiện. Công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế được triển khai hiệu quả. Nhiều cơ chế, chính sách, quy định trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cơ bản đáp ứng yêu cầu hình thành cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Việc khai thác tài nguyên dữ liệu phục vụ số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC theo hướng ND, DN chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả hơn. DVC trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng.
|
Bộ phận “Một cửa” được đổi mới mô hình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã thành lập 11.956 bộ phận “Một cửa” các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Chất lượng phục vụ ND, DN dựa trên dữ liệu theo thời gian thực đã góp phần giúp kiểm soát thực thi (là "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay), tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Báo cáo và các ý kiến thảo luận tại phiên họp đã nêu và phân tích sâu sắc các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực, điểm sáng đạt được cần nhân rộng. Đồng chí cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, tháo gỡ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Từng cấp, ngành, địa phương phải xem CCTTHC là nhiệm vụ quan trọng, là "lối thoát" để phát triển, để nỗ lực khắc phục rào cản về sự minh bạch và tìm ra cách tiếp cận mới trong quá trình thực hiện. Cần coi trọng và phát huy vai trò của người đứng đầu; rà soát quy trình, xây dựng quy trình mới bảo đảm phù hợp, minh bạch. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, cần có sự sòng phẳng giữa các cơ quan, ND, DN, từng bước chuẩn hóa và thực hiện tốt nguyên tắc này. Tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị từng bước chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống, tạo sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu hiệu quả. Trên cơ sở nguồn lực và thời gian, cần ứng xử linh hoạt để sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên phù hợp; xem xét cắt giảm các dịch vụ không hiệu quả. Quá trình triển khai nhiệm vụ, cần chủ động báo cáo với Tổ công tác về những bất cập, vướng mắc nảy sinh để kịp thời xử lý. Không ngừng nâng cao đạo đức, trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng nêu một số nhiệm vụ cụ thể, như: Thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, người có công; phân công quản lý và vận hành…
|
Ngọc Mai