(QBĐT) - Sáng nay, 19-11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân trong công tác phòng chống thiên tai tháng 10-2020.
|
Đồng chí Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN KPTDS) và đồng chí Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN KPTDS tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; thành viên Ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN KPTDS tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã...
|
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN KPTDS tỉnh: Hai đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10-2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và các địa phương lưu vực sông Gianh, sông Son.
Thiên tai đã làm 25 người chết, 197 người bị thương, 104 nhà hư hỏng hoàn toàn, 106.220 ngôi nhà bị ngập nước. Ước tính tổng giá trị thiệt do thiên tai là gần 3.512 tỷ đồng.
|
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN KPTDS tỉnh đã khẩn cấp triển khai công tác ứng phó với mưa lũ; phân công các đồng chí Thường vụ, lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa phương, đơn vị theo phương châm "4 tại chỗ".
Các địa phương và lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã huy động 95 tàu, cano, 135 thuyền ở các xã bãi ngang cùng hàng trăm thuyền của lực lượng tại chỗ cứu hộ, cứu trợ, di dời 32.251 hộ dân đến nơi an toàn.
|
Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tỉnh 110 tỷ đồng cho các huyện, thành phố, thị xã cứu trợ khẩn cấp cho các gia đình có nhà bị ngập lụt do mưa lũ (ngập trên 1m) 1 triệu đồng/hộ.
UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đi cứu trợ khẩn cấp cho 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy gồm: 7,7 tấn lương khô, 13.500 thùng mì tôm, 3.000 thùng sữa, 5 tấn sữa đóng bịch, 2.280 thùng nước uống đóng chai, 210 phần quà để khẩn cấp cứu trợ người dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Đối với địa bàn huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thị xã Ba Đồn, UBND tỉnh đã hỗ trợ 6.800 thùng mì tôm, 2.500 thùng nước uống đóng chai, 4.300 thùng sữa để cứu trợ người dân...
|
Để giúp người dân ổn định đời sống, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hàng hóa, nhu yếu phẩm thông qua các hội, đoàn thể.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tiếp nhận 89,7 tỷ đồng, hơn 150 tấn hàng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng hóa với giá trị ước tính hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp về các địa phương hỗ trợ người dân.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại như: Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; phương án PCTT tại một số địa phương, sở, ban, ngành chưa sát thực tế nên khi thiên tai xảy ra còn lúng túng trong việc triển khai, ứng phó; nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế; phương tiện cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhất là trong tình huống thiên tai vượt lũ lịch sử, trên diện rộng; thông tin giữa người dân với các đơn vị cứu hộ, nhất là số điện thoại đường dây nóng chưa thực sự thông suốt…
|
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận về những khó khăn, kết quả đạt được và những kinh nghiệm thực tiễn rút ra được trong công tác tìm kiếm cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua. Từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt hơn công tác PCTT-TTCN trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần CôngThuật gửi lời cám ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; cảm ơn sự tương thân tương ái hướng về miền Trung, hướng về Quảng Bình của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, những nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước.
|
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ban, ngành, địa phương cần khẩn trương ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân; tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường; tiếp tục rà soát kiên quyết di dời các hộ ở vùng ngập sâu, vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, có phương án bổ sung giống cây trồng vật nuôi bảo đảm sản xuất.
Các sở ngành, địa phương tập trung khắc phục nhanh cơ sở hạ tầng thiết yếu, bảo đảm hệ thống điện, giao thông, thông tin liên lạc, trường học, y tế, nước sạch tập trung, hạ tầng sản xuất nông nghiệp… phục vụ sản xuất, kinh doanh; quản lý chặt chẽ phát triển thủy điện để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động xấu đến môi trường; nỗ lực khôi phục trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan tham mưu bố trí kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để từng bước sửa chữa khắc phục thiệt hại, trong đó lưu ý các công trình đa mục tiêu vừa là trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng vừa là nơi tránh trú thiên tai. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vay vốn và thực hiện xử lý nợ vay bị rủi ro theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo các xã tổ chức hội nghị phổ biến về tận thôn, bản, người dân từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 75 tập thể và 103 cá nhân (truy tặng 1 cá nhân) đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN.
Lãnh đạo UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bùi Thành-Lan Chi