(QBĐT) - Ngày 11-10-2020, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện số 11/CĐ-UBND, điện Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.
Nội dung Công điện cụ thể như sau:
Từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 10, trên địa bàn toàn tỉnh liên tiếp có mưa to đến rất to, điển hình như Minh Hóa 984mm, Trường Sơn 829mm, Kiến Giang 600mm. Mực nước sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy trên mức báo động 3 là 59 cm, trạm Kiến Giang trên báo động 3 là 166 cm gây lũ lụt trên diện rộng, hơn 13.000 nhà dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Ba Đồn… bị ngập sâu 1 - 2m.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ chiều ngày 12 đến hết ngày 14 tháng 10, Quảng Bình xuất hiện một đợt mưa, có nơi mưa to đến đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 đến 250mm, có nơi lớn hơn.
Từ đêm ngày 12 tháng 10, mực nước trên các sông có khả năng lên lại. Mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng đạt mức trên báo động 3; mực nước trên sông Gianh lũ dao động ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ một đợt mưa lũ mới gây “lũ chồng lũ” trên diện rộng, nhất là các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa...
Để chủ động ứng phó với đợt mưa, lũ mới, trong khi hậu quả mưa lũ từ ngày 06 đến ngày 09 tháng 10 chưa kịp khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 08/10/2020, Công văn số 1836/UBND-KT ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh và Công điện 126/CĐ-BCH ngày 06/10/2020 của Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh.
2. Theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo về diễn biến mưa, lũ, vận hành hồ chứa, thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
3. Rà soát, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, trong đó chú ý phương án có thể phải sơ tán dài ngày, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19; bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở những vùng ngập lụt. Chủ động hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm không để người dân thiếu nước uống, đói, rét. Căn cứ tình hình thực tế, chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trước, trong, sau mưa lũ, đồng thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập. Nắm chắc thông tin về người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Tổ chức neo đậu tàu thuyền, nhất là ở vùng cửa sông, cửa biển đảm bảo an toàn.
4. Thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong việc dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ đối với những vùng nước lũ đang rút, tuy nhiên cần lưu ý tiếp tục kê cao hoặc di dời đồ đạc, tài sản đến vùng cao hơn, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để phòng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài.
5. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là khu vực ngập sâu, chảy xiết; chủ động dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn; nghiêm cấm việc người dân vớt củi, đánh bắt thủy sản trên sông, suối khi mưa lũ, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người trước, trong và sau mưa lũ.
6. Tính toán cân đối lượng nước trong các hồ chứa, mực nước vùng hạ du và tình hình mưa lũ, vận hành, điều tiết nước trong hồ để đón đợt mưa lũ mới theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa.
7. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, nhất là ở các đập, hồ chứa, các công trình, khu vực dân cư trọng điểm, xung yếu; đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc, điện sản xuất, sinh hoạt thông suốt.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện./.