(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc khẩn với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành về công tác phòng, chống mưa lũ vào sáng nay, 20-10-2020.
![]() |
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang.
Đến thời điểm này, do ảnh hưởng của mưa lũ, toàn tỉnh có 4 người chết, trên 96.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó huyện Lệ Thủy có số lượng nhà ngập nhiều nhất với khoảng 32.000 nhà. Hàng trăm thôn, bản bị chia cắt; gần 23.000 hộ dân được di dời đến nơi an toàn…
Tại buổi làm việc, các sở, ban, ngành đã cập nhật diễn biến mưa lũ và các hoạt động ứng phó như cứu hộ, di dời người dân, cấp phát nhu yếu phẩm… để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không để người dân thiếu đói, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ cho nhân dân…
![]() |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ của các địa phương, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp; di dời người dân.
Về nhiệm vụ trong những ngày tới, do mưa lũ còn diễn biến phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cần triển khai hỗ trợ người dân hiệu quả và kịp thời, nhất là đối với những địa phương đã bị ngập sâu nhiều ngày. Đặc biệt, đối với hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh là những địa phương đã bước sang ngày thứ ba bị ngập sâu.
![]() |
Trước mắt, để giúp bà con có thể duy trì cuộc sống trong mưa lũ, tỉnh và các địa phương cần áp dụng hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; UBND tỉnh cần nhanh chóng thiết lập mạng lưới phân phối, khẩn trương cấp phát lương thực (lương khô, mì gói,...) cho bà con vùng lũ tại các điểm phù hợp ngay trong ngày 20-10, bảo đảm lương thực, thực phẩm đến tay nhân dân.
Đối với các địa phương vùng nam thị xã Ba Đồn và các xã ở huyện Bố Trạch, trong chiều 20-10 và ngày 21-10, sẽ tiếp tục triển khai các phương án cấp phát lương thực cho nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các ban, ngành, thành viên. Đối với công tác cứu hộ, đồng chí khẳng định, đây là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, do đó cần tập trung tất cả lực lượng, nguồn lực, kinh phí để mua hàng cứu trợ phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ủy ban MTTQVN tỉnh cần điều phối hoạt động cứu trợ nhằm bảo đảm đúng đối tượng. Ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng các loại phương tiện, thuốc men, hóa chất xử lý nước… để hỗ trợ bà con và bảo đảm an toàn vệ sinh sau mưa lũ. Lực lượng vũ trang và các tổ chức mặt trận, đoàn thể phối hợp việc dọn dẹp sau mưa lũ để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
![]() |
![]() |
![]() |
Ngọc Mai