(QBĐT) - Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh cho biết: Tính đến ngày 11-10, mưa lũ đã gây ngập lụt 16.487 nhà dân, làm một người chết, một người bị thương và nhiều người mất tích. Thiệt hại về tài sản khá lớn nhưng chưa thể thống kê được.
Tổng số nhà bị ngập lụt tính đến nay là 16.487 nhà. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Lệ Thủy 9.122 nhà, huyện Quảng Ninh 4.833 nhà, huyện Tuyên Hóa 1.293 nhà... Đặc biệt, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 672 nhà ngập lụt và chủ yếu ở xã Tân Hóa với 560 nhà ngập sâu từ 1,5m-3.0m.
![]() |
Theo thông tin từ Sở Giao thông-Vận tải, đến ngày 11-10 vẫn còn nhiều điểm đường trên các tuyến giao thông đường bộ đang bị tắc. Cụ thể trên tuyến các Quốc lộ 15, 9B và 9C; các tuyến tỉnh lộ gồm: 559B, 562, 564, 564B.
![]() |
Hiện mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo ở mức an toàn. Riêng hồ Khe Gạo (Bố Trạch) và hồ Dạ Lam ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) có nguy cơ mất an toàn công trình. Hiện hai địa phương trên đã triển khai các phương án để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
![]() |
Theo báo cáo ban đầu của các địa phương, đã có 1 người chết ở xã thôn Hoàng Giang, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy); 1 người mất tích (Hồ Thị Liêu, SN 1973, trú tại bản Tà Rà, Dân Hóa, huyện Minh Hóa) trượt chân ngã, bị lũ cuốn mất tích; 1 người bị thương là bà Hồ Thị Núc (SN 1979, ở bản Ba Looc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) trong lúc đi xúc cá ở bản Ka Vi bị điện giật.
Những thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các công trình giao thông, thủy lợi, tài sản, nhà cửa, hoa màu... chưa thể thống kê được.
Hiện có 1 tàu các với 6 lao động đang mất tích trên biển ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (tàu QB 98955 TS, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Vĩnh, ở phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) vẫn chưa liên lạc được do hư hỏng hệ thống bộ đàm.
![]() |
Hiện các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân sự, bộ đội biên phòng, công an... đang nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ; đồng thời tiếp tục duy trì việc túc trực lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, cứu hộ, cứu nạn... khi có tình huống xảy ra.
![]() |
Sở Giao thông-Vận tải tiếp tục khắc phục các sự cố trên các tuyến đường, nhất là tuyến đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt; đồng thời bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính.
Các địa phương tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ; cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác; chủ động sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”; tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua khe, suối… khi đang có mưa lũ.
![]() |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình: Dự báo từ đêm nay (11-10) đến ngày 14-10, trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to dẫn đến lũ trên các sông trong tỉnh có khả năng sẽ lên lại.
Đỉnh lũ trên sông Gianh có khả năng đạt mức báo động 2 và 3, trên sông Kiến Giang đạt trên mức báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt tại vùng trũng đặc biệt là các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh.
Bùi Thành