(QBĐT) - Ngày 13-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Các đồng chí: Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì và điều hành hội nghị.
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thắng nhấn mạnh: Qua 5 năm tổ chức thực hiện Chương trình hành động, trong bối cảnh tình hình của tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đã tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, tích cực hưởng ứng của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, sự phấn đấu vươn lên của các doanh nghiệp, du lịch Quảng Bình đã có bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU là dịp để xem xét, nhìn nhận, đánh giá khách quan, nghiêm túc những việc đã làm được, chưa làm được, những khuyết điểm, hạn chế; trên cơ sở đó, rút ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, các bài học kinh nghiệm; xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phát triển du lịch; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Sau 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 06, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình liên tục tăng qua các năm. Trong đó, năm 2017 đạt 3,3 triệu lượt; năm 2018 đạt 3,9 triệu lượt; năm 2019 là 5 triệu lượt; tốc độ tăng bình quân đạt 30,55%. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 5.600 tỷ đồng. Năm 2020, dự ước tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 5,5 triệu lượt, doanh thu từ khách du lịch đạt 6.160 tỷ đồng. Số lượng cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và các công ty lữ hành quốc tế tăng nhanh so với thời gian trước. Toàn ngành có khoảng 6.000 lao động trực tiếp và 12.000 lao động gián tiếp, cơ cấu nhân lực các lĩnh vực được điều tiết ngày càng hợp lý, bảo đảm tính hiệu quả. Công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư phát triển, quảng bá du lịch được triển khai tích cực. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định được vị trí là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được, phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thời gian tới, hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
|
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật khẳng định việc ban hành Chương trình hành động về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 - 2020 là hết sức đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, bước đầu gặt hái những kết quả rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản và động lực mới để hoàn thành mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng chí ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu lên 7 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, gồm: Các cấp ủy đảng, chính quyền phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch, phát triển du lịch bền vững đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị - xã hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đôn đốc Đơn vị tư vấn McKinsey&Company khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng, làm cơ sở, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch. Chú trọng việc phát triển, đa dạng hóa và hoàn thiện các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ và tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch cao cấp, các sản phẩm có khả năng thu hút lượng khách du lịch lớn, mang lại thu nhập cao trên nguyên tắc phát triển bền vững, gắn bảo tồn với phát huy giá trị di sản.
Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư các cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh và hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch.
Trong công tác quản lý nhà nước, cần đổi mới cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân để dịch vụ hóa nền kinh tế. Cần xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm chất lượng cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trao Bằng khen cho 9 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình hành động số 06 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
Ngọc Mai