(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19, diễn ra sáng nay, 23-4.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp-PTNT, Du lịch, Lao động thương binh và Xã hội, Y tế, Công thương, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình...
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo một số nét về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội sau dịch Covid-19.
![]() |
Cụ thể, ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm thu hẹp thị trường xuất nhập khẩu, phần lớn doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất cầm chừng, nhiều đơn hàng bị hủy; nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng khan hiếm. Hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành buộc phải hoạt động cầm chừng, hàng ngàn người lao động phải tạm nghỉ không lương. Ước tính quý I-2020, lượng khách du lịch đến Quảng Bình giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, lượng hành khách, hàng hóa, phương tiện hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 60% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong toàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến khó trả lãi vay, nợ vay; nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Thống kê có 140 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay. Dự kiến đến hết tháng 4-2020, số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước thực hiện chỉ đạt 1.750 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán địa phương giao.
Dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Thống kê có gần 240 nghìn đối tượng chịu ảnh hưởng do dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Tiến độ, chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 bị ảnh hưởng nặng nề, tất cả các hoạt động dạy và học bị ngưng trệ. Lĩnh vực y tế gặp nhiều khó khăn, số lượng người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế giảm từ 60-80% so với cùng kỳ năm 2019.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19, các đại biểu dự hội nghị thống nhất việc xây dựng chương trình hành động cụ thể với các nhiệm vụ, giải pháp sát thực, phù hợp với từng cấp, ngành, lĩnh vực, địa phương.
Trong đó, chú trọng cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh; tăng cường quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay; đẩy mạnh sản xuất và quản lý, điều tiết tốt các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phát biểu, bàn giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 với một số nội dung cụ thể như: Tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn thu, số thu ngân sách; tăng cường thực hiện việc hỗ trợ các thành phần kinh tế và người dân ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống sinh hoạt...
![]() |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật đã ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như công tác duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh tác động gây ảnh hưởng nặng nề.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm ổn định phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19.
Trong đó, xây dựng kế hoạch cụ thể và thông báo sớm việc cho học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm số thu ngân sách. Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, vì thế cần phải có chiến lược xúc tiến quảng bá, kích cầu phát triển xứng tầm.
Các sở, ngành chức năng cần bảo đảm ổn định thị trường giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm; triển khai ngay các gói hỗ trợ đối với doanh nghiệp và các thành phần kinh tế để bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định thị trường bất động sản.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng kịch bản phát triển kinh tế hợp lý ngay sau khi dịch Covid-19 kết thúc.
Nguyễn Hoàng