(QBĐT) - Sáng nay, 10-4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 30 điểm cầu các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế lớn và các địa phương trong cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, dự hội nghị có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
![]() |
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp-PTNT đã báo cáo một số nét về tình hình sản xuất nông nghiệp trên toàn quốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 7.364 nghìn ha, năng suất bình quân 59,3 tạ/ha, sản lượng đạt 43,5 triệu tấn thóc.
Hiện Bộ Nông nghiệp-PTNT đang tập trung chỉ đạo các địa phương chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; tiếp tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Tiếp đó, đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công và chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh xuất, nhập khẩu; chính sách gia hạn, miễn giảm thuế; rà soát các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư công nhằm thực hiện có hiệu quả việc giải ngân gần 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020.
Các bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính cũng đã xây dựng kịch bản phát triển kinh tế đất nước ngay sau khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, góp phần làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến cho khoảng 10% doanh nghiệp trên toàn quốc phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, từ 1-1 đến 26-3-2020, cả nước có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: dệt may, vận tải, giày da, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến như hiện nay thì ước tính trong quý II-2020, cả nước sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và 1,5 đến 2 triệu lao động phải ngừng việc. Trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động bị ngừng việc.
![]() |
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đề xuất một số nhóm giải pháp ứng phó dịch Covid-19 và kịch bản ổn định kinh tế vĩ mô sau khi dịch được khống chế, như: Tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phát triển sản xuất; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và người dân trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương cần đồng sức, đồng lòng, chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Chính phủ; có cơ chế, giải pháp mạnh mẽ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm thuộc thẩm quyền của Chính phủ để giảm thiểu tác động xấu của dịch Covid-19 đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương; triển khai ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh; có phương án bố trí kinh phí hợp lý bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư, phát triển kinh tế; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể với các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài; chuẩn bị tốt kịch bản phát triển kinh tế ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế để nâng cao tốc độ tăng trưởng, cụ thể là thay đổi phương thức kinh doanh, chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Công an chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Nguyễn Hoàng