Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
03:03, 11/03/2020
(QBĐT) - Sáng nay, ngày 11-3, UBND tỉnh đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại cuộc họp
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan.
Hiện tỉnh ta có 18 cơ sở sản xuất trồng trọt có ứng dụng công nghệ cao (CNC) với diện tích khoảng 100ha. Trong đó, thành phố Đồng Hới có 4 cơ sở, Bố Trạch 5 cơ sở, Lệ Thủy 4 cơ sở, Quảng Trạch 2 cơ sở, các huyện Tuyên Hóa, Ba Đồn và Quảng Ninh mỗi huyện có 1 cơ sở. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có ứng dụng CNC chủ yếu là trồng rau, củ, quả an toàn, cây dược liệu, hoa. Các CNC được áp dụng gồm nhà màng, nhà lưới có điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng; trồng trên giá thể, thủy canh… Trong đó, có một số mô hình nổi bật, như: Công ty TNHH nông nghiệp CNC Tuệ Lâm ở huyện Bố Trạch với mô hình trồng sâm Bố Chính; trang trại nông nghiệp CNC của Công ty cổ phần thực phẩm sạch Đông Dương ở thành phố Đồng Hới…
Về chăn nuôi, cả tỉnh có 3 cơ sở sản xuất lớn có ứng dụng CNC, gồm: trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình (Quảng Ninh); trang trại vỗ béo bò thịt của Công ty TNHH Lê Dũng Linh (Quảng Trạch); trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Tabico với quy mô 300 con lợn nái sinh sản (Bố Trạch)... Ngoài ra, tỉnh ta có nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản có áp dụng CNC trong sản xuất như: Công ty cổ phần Thanh Hương có diện tích mặt nước nuôi tôm thương phẩm 20ha tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh với sản lượng từ 400-500 tấn/năm; Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, chi nhánh Quảng Bình đầu tư tại huyện Lệ Thủy, có diện tích mặt nước nuôi khoảng 30ha, sản lượng con giống từ 1,8-2 tỷ con giống và thu từ 200-300 tấn tôm thương phẩm.
Về lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đang đầu tư các dự án chế biến gỗ rừng trồng có áp dụng CNC…
Để phát triển nông nghiệp có ứng dụng CNC trong giai đoạn 2020-2025, theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, hình thành từ 1-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, cả tỉnh có 56 cơ sở sản xuất có ứng dụng CNC ở địa bàn tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời, nâng số lượng doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận doanh nghiêp nông nghiệp CNC; đào tạo, tập huấn để nâng cao nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các thành viên trong Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp CNC. Đồng chí Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Muốn phát triển nông nghiệp CNC, thời gian tới, tỉnh ta cần phát triển nguồn nhân lực toàn diện phục vụ cho lĩnh vực này; tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các cơ sở sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng CNC. Đồng thời, tìm các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện của tỉnh để đưa vào sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp CNC…
(QBĐT) - Sáng nay, 11-3, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch-Vũng Áng, sân phân phối 500kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch và đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi.
(QBĐT) - Tin từ Sở Y tế cho biết, 3 mẫu bệnh phẩm được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình gửi viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính.