(QBĐT) - Ngày 9-5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy để khảo sát việc thực hiện nghị quyết tại tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm vịệc. Tham dự có đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) là một chủ trương lớn của Đảng. Tại Quảng Bình, nghị quyết đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, sâu rộng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân hưởng ứng tích cực.
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nông thôn có bước phát triển mới, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của người dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở vùng nông thôn. Trong đó, nổi bật là đã tạo được sự quan tâm thường xuyên và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhà nước đã tăng mạnh đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Tổng sản lượng lương thực năm 2017 đạt 31 vạn tấn, tăng 18,6% so với năm 2008. Giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất số lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao. Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng cao; khai thác hải sản xa bờ phát triển mạnh, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững tăng nhanh.
Lâm nghiệp từng bước được xã hội hóa, công tác quản lý và bảo vệ rừng được các cấp, các ngành và chủ rừng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới có hiệu quả đã được nhân rộng trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên doanh, liên kết, tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng giá trị.
Đời sống vật chất và tinh thần nông dân được cải thiện đáng kể; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn đầu năm 2017 đạt 24,84 triệu đồng/năm, tăng gấp ba lần so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm trên 10% so với năm 2008. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ thôn, bản, gia đình văn hóa ngày càng tăng, tình làng nghĩa xóm được củng cố, dân chủ ngày càng được phát huy.
Ở nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại được quan tâm đầu tư. Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, Quảng Bình có 52 xã đạt nông thôn mới, chiếm 38,2% (tỷ lệ toàn quốc chiếm 34,4%). Cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện nhanh; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh trật tự được giữ vùng. Số tiêu chí đạt được bình quân/xã ở tỉnh Quảng Bình tăng từ 3,6 tiêu chí lên 14,6 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Sau khi các đại biểu thảo luận về một số kết quả đạt được cũng như một số tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, thay mặt Thường trực Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Công Thuật cảm ơn các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn công tác của Trung ương, đồng thời trao đổi để làm rõ thêm một số vấn đề mà các thành viên trong đoàn quan tâm.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Minh Sơn đánh giá cao việc Quảng Bình triển khai thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương. Về công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu đánh giá đúng thực chất, thiết thực, hiệu quả, bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương để hoàn thiện báo cáo tổng kết. Báo cáo cần đề xuất những quan điểm, chủ trương phù hợp với địa phương và tình hình cả nước; tập trung vào các chỉ tiêu thu nhập, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…
![]() |
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại hồ Thác Chuối (Bố Trạch). |
Về các ý kiến của thành viên Đoàn công tác, tỉnh lưu ý để xây dựng báo cáo thực tế, sát với tình hình địa phương, làm cơ sở cho Ban Chỉ đạo Trung ương để tiếp tục đề xuất những mục tiêu, giải pháp mới trong thời gian tiếp theo. Đồng chí cũng lưu ý, việc thực hiện nghị quyết, nội dung tái cơ cấu nông nghiệp cần chú trọng giá trị gia tăng. Trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thực hiện theo lộ trình, giữ vững và phát triển các tiêu chí, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trong chương trình làm việc, sáng 9-5, Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại xã Đại Trạch và khảo sát thực tế tại hồ Thác Chuối (huyện Bố Trạch). Sau khi làm việc với huyện Bố Trạch và xã Đại Trạch, xã điểm về nông thôn mới của tỉnh, đồng chí Nguyễn Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và thành quả đạt được của địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nghị quyết, đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến với người dân; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nông thôn; tích cực cải thiện đời sống của người dân.
Trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí đề nghị xã tích cực duy trì nâng cao các tiêu chí của chương trình nông thôn mới, trong đó tập trung nâng cao thu nhập và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; nghiên cứu xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu…
Ngọc Mai