"Một sàng khôn" từ người Nhật

  • 07:11, 12/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhật Bản là đất nước tài nguyên thiên nhiên không phong phú, vạch xuất phát cũng thấp, nhưng họ vẫn vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là bóng đá. Chúng ta đã và cần học tập họ.
 
Tại TP.Hồ Chí Minh, giới phóng viên khi đến nhà cựu danh thủ Hồ Thanh Cang đều chứng kiến một kỷ vật quan trọng- đấy là đôi giày nhỏ màu xanh lá cây trong tủ kính được ông lưu giữ hơn 61 năm như một báu vật.Đấy là năm 1959, sau khi đội tuyển Nhật Bản thua Việt Nam 0-3 tại sân Thống Nhất, họ đã tặng ông Cang và đồng đội đôi giày nhỏ màu xanh lá cây có kích thước to hơn ngón chân cái.
 
Ông Cang kể rằng sau khi tặng đôi giày, đại diện Nhật Bản gửi thông điệp là bóng đá xứ mặt trời mọc (năm 1959) so với Việt Nam cũng như đôi giày nhỏ, còn yếu kém và chưa phát triển. Tuy nhiên, nếu lần sau gặp lại họ sẽ tặng một đôi giày lớn hơn.
 
Quả thật lúc đó, Nhật Bản vừa bước ra khỏi chiến tranh, kiến tạo đất nước. Về thể trạng người Nhật Bản cũng chưa được cải thiện, thậm chí tương đồng với người Việt. Nền bóng đá dĩ nhiên chưa phát triển.Vậy mà 61 năm sau trận thua 0-3 trên sân Thống Nhất, Nhật Bản bây giờ đã không còn là đôi giày nhỏ so với bóng đá Việt Nam. Đội tuyển quốc gia xứ mặt trời mọc đã có 6 lần liên tiếp dự World Cup và 4 lần vô địch châu Á.
 Bóng đá Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và cần học theo cách làm của Nhật bản. Ảnh: Hoàng Linh
Bóng đá Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và cần học theo cách làm của Nhật bản. Ảnh: Hoàng Linh
Sự thay đổi của bóng đá Nhật Bản cũng giống như sự đi lên thần tốc về kinh tế ở đất nước này. Nguyên nhân quan trọng nhất là sự cải tổ sân chơi chuyên nghiệp đủ tầm vóc để nâng bước đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Người Nhật thay đổi hệ thống bóng đá chuyên nghiệp vào cuối những năm 1980, sau đó chính thức cơ cấu lại giải J.League (giải vô địch quốc gia) vào năm 1991. Một năm sau, Nhật Bản lần đầu vô địch châu Á và dự World Cup vào năm 1994 tại Mỹ.
 
Tính từ cột mốc năm 1959 với sự kiện thua Việt Nam 0-3 trên sân Thống Nhất, Nhật Bản có 35 năm để thay đổi hệ thống bóng đá. Hành trình “thay da đổi thịt” của bóng đá Nhật Bản không chỉ có kỷ vật đôi giày nhỏ, đó còn là phông văn hóa mới khi cho ra đời Đội trưởng Tsubasa vào năm 1981. Đây là bộ truyện tranh không chỉ thắp sáng ước mơ chơi bóng cho trẻ em Nhật Bản mà còn làm niềm cảm hứng cho nhiều danh thủ bóng đá thế giới như Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Andres Iniesta. Người Nhật còn có Kazu Miura, người được ví như King Kazu khi chính là niềm cảm hứng để tác giả Yoichi Takahashi cho ra đời Đội trưởng Tsubasa.
 
Với bóng đá Việt Nam, chúng ta chỉ trở lại hòa nhập với dòng chảy bóng đá thế giới từ SEA games 1991. Giải vô địch quốc gia bao nhiêu năm chìm trong tiêu cực. Từ năm 2001, giải chuyên nghiệp ra đời nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống. Các CLB phụ thuộc vào nguồn tài chính của doanh nghiệp. Từ nhiều yếu tố khác nhau khiến cho bóng đá Việt Nam chậm phát triển và thay đổi hơn so với Nhật Bản. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách lớn về trình độ của hai nền bóng đá ở hiện tại.
 
Dù thế, trong 5 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Tuyển Việt Nam có 2 lần vô địch AFF Cup, 1 lần vô địch SEA Games, lần đầu góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup, U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã rất nhiều lần sang Nhật Bản để học tập mô hình phát triển. Công Phượng và Tuấn Anh, hai cầu thủ xuất sắc đã từng được CLB của Nhật bản mời sang thi đấu....
 
Lâu lắm rồi, sân Mỹ Đình mới chứng kiến trận đấu giữa Việt Nam gặp Nhật Bản. Đội bóng xứ xở hoa anh đào mang sang một dàn cầu thủ chất lượng cùng cung cách vô cùng chuyên nghiệp. Những bộ vest bảnh bao, 9 tấn hành lý, hơn 100 thành viên đã mang đến cảm giác thích thú, tò mò về sự chuyên nghiệp của đội bóng hàng đầu châu lục.
 
Một trận đấu đã giúp bóng đá nước nhà thêm được rất nhiều bài học. Và nhìn lại câu chuyện đôi giày nhỏ vào năm 1959 để thấy rằng, thành tích ở một trận đấu hay một giải đấu đôi khi không quan trọng bằng hành trình phấn đấu cho đích đến trong tương lai. Với một nền bóng đá, sự thay đổi toàn diện và phát triển tốt nội lực thì ĐTQG chắc chắn hùng mạnh.
 
BĐVN hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện vươn tầm châu lục và giành vé dự World Cup giống như Nhật Bản trong tương lai, vấn đề là cần thay đổi rất nhiều ở V.League và công tác đào tạo trẻ phát triển theo xu hướng bóng đá là niềm cảm hứng cho các em nhỏ được chơi thể thao.
 
HLV Park Hang Seo đã gia hạn hợp đồng thêm một năm, đấy là tin vui nhất mở ra hy vọng BĐVN sẽ tiếp tục tỏa sáng trong thời gian tới.
 
Ly Ly

tin liên quan

HLV Park Hang-seo gia hạn hợp đồng, tiếp tục gắn bó với tuyển Việt Nam
HLV Park Hang-seo gia hạn hợp đồng, tiếp tục gắn bó với tuyển Việt Nam

Huấn luyện viên Park Hang-seo gia hạn hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam thêm 1 năm, tiếp tục dẫn dắt đội tuyển quốc gia tới 31-1-2023.

Những yêu cầu đối với cổ động viên khi vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Nhật Bản
Những yêu cầu đối với cổ động viên khi vào sân Mỹ Đình xem trận Việt Nam - Nhật Bản

Được trực tiếp chứng kiến trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình vào lúc 19 giờ ngày 11-11 là sự trông đợi của nhiều cổ động viên yêu bóng đá. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, sân vận động Mỹ Đình chỉ được phép đáp ứng 12.000 khán giả (khoảng 30% sức chứa).

Việt Nam-Nhật Bản: Kyogo Furuhashi là mối đe dọa lớn từ 'Samurai xanh'
Việt Nam-Nhật Bản: Kyogo Furuhashi là mối đe dọa lớn từ 'Samurai xanh'

Đang tạm xếp thứ 4 bảng B vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Á, Nhật Bản phải thắng tuyển Việt Nam để củng cố hi vọng đi tiếp. Niềm hi vọng lớn của họ đặt vào chân sút Furuhashi.