![]() |
Kết quả siêu âm cho thấy khớp gối trái có hiện tượng tràn dịch, lớp dịch dày khoảng 7mm. Ngoài ra, còn xuất hiện dấu hiệu vôi hóa điểm bám gân cơ tứ đầu đùi, gai xương rìa diện khớp, kèm theo thoái hóa khớp gối trái.
Người bệnh tiếp tục được chụp cộng hưởng từ (MRI), hình ảnh ghi nhận rõ các tổn thương phức tạp tại khớp gối trái: Rách sụn chêm trước ngoài, sau ngoài và sau trong; rách không hoàn toàn dây chằng chéo trước; giảm sức căng dây chằng chéo sau; mô mềm quanh khớp sưng nề và tụ dịch nhiều tại bao hoạt dịch.
Từ kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương khớp gối trái, rách sụn chêm trong, kèm theo tổn thương dây chằng và viêm quanh khớp.
![]() |
Sau khi tiến hành hội chẩn liên khoa và đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe, bệnh nhân được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm-một phương pháp can thiệp ít xâm lấn, giúp giữ lại sụn chêm thay vì phải cắt bỏ như trước kia, nhờ đó bảo tồn chức năng vận động tự nhiên của khớp gối.
ThS. BSCKII Nguyễn Ánh Ngọc, Trưởng khoa Chấn thương-Y học Thể thao, Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình-người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật-chia sẻ: “Phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm là một trong những lựa chọn ưu tiên hiện nay trong điều trị rách sụn chêm ở bệnh nhân còn chức năng vận động tốt. Với bệnh lý rách sụn chêm như trường hợp của bệnh nhân T., nếu không can thiệp đúng lúc, các tổn thương có thể tiến triển thành thoái hóa khớp nặng, ảnh hưởng đến khả năng đi lại và chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật nội soi khâu sụn chêm giúp phục hồi cấu trúc sụn, giảm đau và ngăn ngừa thoái hóa sớm”.
Hiện tại, tình trạng người bệnh ổn định và được bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau mổ nhằm giúp khớp gối phục hồi tốt nhất chức năng vận động, đồng thời hỗ trợ người bệnh sớm quay trở lại sinh hoạt thường ngày.
![]() |
Nội soi khâu sụn chêm-Giải pháp bảo tồn khớp hiện đại
Khác với các phương pháp cũ thường phải cắt bỏ phần sụn bị rách, kỹ thuật khâu sụn chêm bằng nội soi hiện đại giúp giữ lại phần sụn chêm, phục hồi cấu trúc giải phẫu của khớp gối. Sụn chêm có vai trò như “miếng đệm” giữa hai xương, giúp phân tán lực và ổn định khớp. Việc bảo tồn sụn chêm sẽ giúp khớp vận hành bền vững hơn và giảm nguy cơ thoái hóa trong tương lai.
Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, được thực hiện qua các đường rạch nhỏ, giúp giảm đau sau mổ, hạn chế sẹo, rút ngắn thời gian nằm viện và đẩy nhanh quá trình hồi phục cho người bệnh.