Sống giữa tình thương và trách nhiệm

  • 07:05, 12/05/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có một trụ sở khang trang xếp hàng nhất nhì trong hệ thống trạm y tế cơ sở toàn tỉnh; có một tập thể y bác sĩ đoàn kết, luôn phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, tình yêu thương đối với bệnh nhân, với đồng bào Vân Kiều. Đó là những câu chuyện mà tôi được nghe kể về Trạm Y tế xã Trường Sơn (Quảng Ninh) mỗi lần lên công tác tại vùng đất biên giới này.
 
Bác sĩ của bản làng
 
Đến xã Trường Sơn, đi hết 15 bản đồng bào Vân Kiều, từ bản Dốc Mây xa ngái giáp biên giới Việt-Lào hay xuôi về Nước Đắng, Hôi Rấy ven sông Long Đại “cách trở đò giang”, khi nhắc đến đội ngũ cán bộ Trạm Y tế xã Trường Sơn, bà con Vân Kiều đều dành những lời “có cánh” về họ. Lần lượt thời gian trong năm, các y bác sĩ phân công nhau đến với dân, xem đồng bào ăn ở như thế nào, vệ sinh bản làng ra sao, bị “cái bệnh” gì ảnh hưởng đến sức khỏe...
 
Già làng bản Dốc Mây Hồ Nhong hay Trưởng bản Cổ Tràng Nguyễn Văn Bền chia sẻ với tôi: “Bây giờ con ma rừng khó mà bắt đồng bào tốn trâu bò, tiền bạc làm lễ cúng bái cầu xin. Mỗi khi ốm đau, bà con đều nhanh chóng ra trạm y tế để thăm khám, điều trị. Ở trạm xá, cán bộ rất tốt. Ở trạm xá, có bác sĩ Hoàng Hồ Puôn giỏi lắm. Bác sĩ Puôn là người con Vân Kiều mà!”.
 
Nhắc đến bác sĩ Hoàng Hồ Puôn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn, tôi lại nhớ đến hình ảnh chàng trai người Vân Kiều hiền khô cách đây tròn 10 năm, khi anh mới “chân ướt, chân ráo” tình nguyện về làm trạm trưởng, ấy là vào năm 2015.
Trụ sở Trạm Y tế xã Trường Sơn mới được đầu tư xây dựng.
Trụ sở Trạm Y tế xã Trường Sơn mới được đầu tư xây dựng.
Mười năm sau, đôi chân bác sĩ Hoàng Hồ Puôn và cán bộ của mình đã cứng lắm rồi. 19 thôn bản, 1.235 hộ dân, 5.358 nhân khẩu xã Trường Sơn đều quen thân, tin tưởng y bác sĩ trạm tế xã. Trong đó bác sĩ Hoàng Hồ Puôn là “đầu tàu”.
 
Năm 1992, học xong lớp 5, khi các bạn đồng trang, đồng lứa theo bố mẹ lên nương, lên rẫy tìm kế sinh nhai thì một mình Hoàng Hồ Puôn quyết tâm về Trường PTDT nội trú tỉnh xin tiếp tục học chữ. Tốt nghiệp THPT, Hoàng Hồ Puôn được cử tuyển vào ngành Lâm nghiệp. Học khoảng một năm, thấy bản thân đi “trái nghề” nên nghỉ học, ôn thi lại đại học và trúng tuyển vào Trường đại học Y Thái Nguyên, chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Năm 2008, Hoàng Hồ Puôn tốt nghiệp, về công tác tại Phòng Y tế huyện Quảng Ninh.
 
Năm 2015, bác sĩ Hoàng Hồ Puôn viết đơn tình nguyện lên công tác tại xã Trường Sơn. “Về quê hương, mong muốn giúp quê hương thay đổi, nhất là phải thay đổi tư duy, nếp nghĩ của đồng bào Vân Kiều mình, mỗi khi đau ốm, bệnh tật phải đến trạm y tế, bệnh viện chứ đừng tin vào hủ tục, vào con ma nào cả”, Hoàng Hồ Puôn chia sẻ.
 
Bác sĩ Hoàng Hồ Puôn tâm sự: “Những năm tháng ở giảng đường đại học và khi ra công tác, bản thân luôn khắc ghi những lời dạy của Bác Hồ trong bức thư gửi hội nghị cán bộ ngành Y tế ngày 27/2/1955.
 
Bác căn dặn đội ngũ y bác sĩ: ...Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”... Từ đó, tập thể y bác sĩ Trạm Y tế xã Trường Sơn bất kể mọi lúc, mọi nơi, trong hoàn cảnh nào cũng luôn tuân thủ phương châm đoàn kết, phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, tình yêu thương đối với bệnh nhân, với đồng bào Vân Kiều”.
 
Địa chỉ tin cậy của người dân
 
Với đặc thù diện tích tự nhiên rộng, dân số sinh sống phân tán, đồng bào Vân Kiều đông, chịu ảnh hưởng của các hủ tục lạc hậu, mỗi khi đau ốm thường hay cúng bái mê tín dị đoan, ít áp dụng biện pháp chữa bệnh hiện đại... Đó là những trở ngại lớn của đội ngũ những người làm công tác khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Theo thời gian, được sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB từ nhà nước; tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế mà chất lượng KCB, chăm sóc sức nhân dân thay đổi rõ rệt.
 
Trạm Y tế xã Trường Sơn thực hiện trên 80% các dịch vụ kỹ thuật có trong quy định phân tuyến kỹ thuật, danh mục kỹ thuật KCB và bảo đảm sơ cứu, cấp cứu thông thường theo đúng quy chuẩn Bộ Y tế. Năm 2024, trạm đã KCB cho 2.842 lượt người dân. Những tháng đầu năm 2025, số lượng người dân đến KCB tại trạm có chiều hướng tăng mạnh với gần 2.100 lượt người. Ngoài nhiệm vụ KCB, cán bộ trạm còn đóng vai trò hạt nhân trong phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng trên địa bàn.
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào khu vực biên giới, Trạm Y tế xã Trường Sơn đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới trị giá hơn 5,5 tỷ đồng, trang cấp máy siêu âm hơn 700 triệu đồng cùng các trang thiết bị y tế hiện đại khác.
Bác sĩ Hoàng Hồ Puôn cho biết: Tháng 7/2024, trên địa bàn xã ghi nhận 64 ca bệnh mắc sốt xuất huyết ở 16 thôn, bản. Trạm y tế xã đã tổ chức giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các ca bệnh; đồng thời phối hợp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, Đồn Biên phòng Làng Mô, các thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền, tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quoăng, triển khai phun hóa chất diệt muỗi. Trạm y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh tiến hành phun hóa chất cho 757 hộ đồng bào; xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét cho 650 người tại các bản có ca bệnh sốt xuất huyết.
 
Năm 2024, Trạm Y tế xã Trường Sơn khám sàng lọc bệnh cao huyết áp cho 765 người độ tuổi trên 40; quản lý điều trị cho 176 bệnh nhân cao huyết áp, 21 bệnh nhân tiểu đường, 10 bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính...; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Quảng Ninh khám sàng lọc tầm soát bệnh lao cho 1.289 đối tượng.
 
Trạm y tế xã cùng với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, khám sàng lọc trước sinh, khám định kỳ cho người cao tuổi...
 
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết: “Những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ trạm y tế xã trong đó có vai trò gương mẫu, đầu tàu của bác sĩ Hoàng Hồ Puôn đã làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của người dân, đồng bào Vân Kiều. Bây giờ, mỗi khi ốm đau, bà con đều tự nguyện đến trạm y tế xã thăm khám, điều trị”.
Thanh Long

tin liên quan

Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em ở Quảng Bình
Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em ở Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 12/5, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cho biết, đơn vị đang phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam), Tập đoàn Viettel và Bệnh viện E Hà Nội để tổ chức chương trình khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Lấy lại nụ cười tự nhiên sau 20 ngày điều trị liệt dây thần kinh số VII
Lấy lại nụ cười tự nhiên sau 20 ngày điều trị liệt dây thần kinh số VII

(QBĐT) - Chỉ sau 20 ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình, bệnh nhân P.Q.V. (56 tuổi, trú tại huyện Quảng Trạch) đã phục hồi gần như hoàn toàn tình trạng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên trái-một bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng vận động vùng mặt.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng

(QBĐT) - Ngày 9/5, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, đơn vị vừa có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn.