(QBĐT) - Lượng bệnh nhân bị sởi và sốt phát ban nghi sởi nhập viện tăng đột biến từ tháng 3/2025 đến nay đã khiến Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) trong tình trạng quá tải.
Dành một đơn nguyên cho điều trị bệnh nhi sởi
Tại Đơn nguyên Nhi A, Khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH sáng 11/4, toàn bộ giường bệnh đều dành cho bệnh nhi bị sởi, với nhiều lứa tuổi khác nhau. Chị Lê Thị Lệ ở xã Liên Thủy (Lệ Thủy) có con nhỏ gần 8 tháng tuổi nhập viện điều trị tại khoa đã hơn 10 ngày cho biết: “Sau khi con bị sốt 3 ngày ở nhà, vào Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy 3 ngày sau vẫn không đỡ nên tôi xin chuyển vào đây. Cháu được bác sĩ xác định bị sởi và gây biến chứng viêm phổi”.
|
Có con gái 13 tuổi nhập viện điều trị đã được 4 ngày, chị Nguyễn Thị Thu Hà, ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) chia sẻ: "Tôi cho con đi khám ở phòng khám tư nhân, bác sĩ nói bị sốt siêu vi rồi cho thuốc về điều trị tại nhà. Sau cả tuần vẫn không đỡ, cháu bị chảy máu mũi nên tôi đưa con vào Bệnh viện HNVN-CBĐH thì bác sĩ nói cháu bị sởi".
Theo thông tin từ Bệnh viện HNVN-CBĐH, sau nhiều năm không có bệnh nhân sởi nhập viện, tháng 12/2024, khoa Nhi của bệnh viện tiếp nhận ca sởi đầu tiên. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã có 275 ca bệnh sởi điều trị tại bệnh viện. Đặc biệt, số bệnh nhân bị sốt phát ban nghi sởi nhập viện tăng đột biến trong tháng 3 với 126 ca và riêng 10 ngày đầu tháng 4, đã có hơn 80 ca điều trị, xuất viện. Nhiều trẻ gặp phải những biến chứng như viêm phổi nặng, có trẻ phải thở máy,…
|
Bác sĩ CK II Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi cho biết: Hiện tại, trung bình mỗi ngày có 45-50 bệnh nhân nghi sởi đang điều trị tại khoa. Khoa phải dành đơn nguyên Nhi A để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sởi, gồm 45 giường bệnh. Tuy nhiên, có thời điểm, số lượng bệnh nhân lên tới 50-60 ca, chúng tôi phải mượn giường bệnh của các khoa khác kê thêm ở hành lang hoặc bệnh nhân buộc phải nằm ghép giường. Ngoài ra, khoa huy động thêm bình thở oxy, phương tiện máy móc theo dõi nhằm hỗ trợ cho bệnh nhân một cách tối đa.
Không chủ quan nhưng không nên quá hoang mang
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, hiện bệnh viện chưa có các xét nghiệm đặc hiệu để xác định bệnh sởi. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghi sởi dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà chúng tôi đã gửi mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính, với tỷ lệ rất cao.
“Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh sởi, gồm: Sốt cao kéo dài, uống hạ sốt không đáp ứng; ho, sổ mũi; viêm kết mạc (đỏ mắt); nổi ban đỏ khắp người, lan từ mặt xuống chân và có thể kèm tiêu chảy. Khi phát hiện những dấu hiệu nói trên, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán, tư vấn, có hướng điều trị phù hợp. Không phải tất cả các cháu bị sởi đều nhập viện, mà tùy tình trạng bệnh của trẻ. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, cần có sự nhận thức đúng về bệnh, để tránh gây nên sự quá tải tại bệnh viện, sẽ tạo nên vòng luẩn quẩn, lây chéo các bệnh lý khác”, bác sĩ Hân khuyến nghị.
Ngoài ra, phụ huynh cần chủ động bảo vệ cho bản thân và con em bằng cách tránh xa nguồn lây, hạn chế đến chỗ đông người khi không thực sự cần thiết, đeo khẩu trang khi đến chỗ công cộng, tăng cường sức đề kháng, chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ,…
|
Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, như: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí gây tử vong (nhất là ở trẻ em dưới 5 tuổi). Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm. Đây là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Bởi vậy, khi được chẩn đoán mắc sởi, người bệnh cần ngay lập tức được cách ly để điều trị, tránh lây cho các trường hợp khác.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu
Qua trao đổi với các phụ huynh có con là bệnh nhân sởi đang điều trị ở Khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH, hầu hết các cháu chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, một số chưa đủ tuổi hoặc tiêm còn thiếu mũi theo quy định.
Anh Ngô Cao Lương ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch) cho biết: "Con gái tôi gần 1 tuổi nhưng chưa tiêm được mũi vắc-xin phòng ngừa sởi, do cháu bị ốm đúng lịch tiêm chủng. Cháu vừa nhập viện điều trị sởi được 2 ngày, sau khi bị sốt cao liên tục, mệt li bì. Khi vào chăm con tại bệnh viện, chứng kiến tình trạng bệnh của các cháu ở đây, tôi mới thấy sự nguy hiểm của bệnh sởi. Nó diễn biến nhanh rất khó lường, sốt cao liên tục mà không hạ sốt được; nhiều cháu bị viêm phổi nặng. Mọi người có điều kiện nên đưa các con đi tiêm phòng đầy đủ”.
|
Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút sởi gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, chỉ điều trị triệu chứng. Để bảo vệ tốt nhất cho trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi cũng như chung tay góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
|
Ngay trong sáng 11/4, Bệnh viện HNVN-CBĐH đã tổ chức tiêm chủng vắc-xin bệnh sởi cho hơn 200 nhân viên y tế và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao của 7 khoa, phòng. Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH Nguyễn Đức Cường cho biết: "Khi số ca bệnh sởi gia tăng, người lớn cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh, nhất là nhân viên y tế thường tiếp xúc gần với bệnh nhân. Để giảm thiểu việc lây nhiễm, đơn vị đã trích kinh phí từ quỹ phúc lợi của bệnh viện để mua vắc-xin sởi, tổ chức tiêm phòng, tăng miễn dịch, bảo vệ nhân viên y tế và các đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm nhằm an tâm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh”.
Liên quan đến dịch bệnh sởi, đến đầu tháng 4/2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc. Trước đó, Bộ Y tế dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước.
|
Hương Lê