(QBĐT) - Một thực tế đáng báo động hiện nay, các bệnh lý nội tiết và rối loạn chuyển hóa, trong đó, đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến. Bệnh không lây nhiễm nhưng đang có xu thế phát triển với tốc độ nhanh do liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý và hạn chế vận động. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị ĐTĐ, ngay sau khi tiếp nhận Phòng khám Nội tiết từ Trung tâm Mắt-Nội tiết (từ 1/6/2024), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh nhanh chóng ổn định về con người và cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị các bệnh về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của người bệnh.
Ông Đào Hữu Khuyến, thôn 3, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới), 20 năm nay bị mắc ĐTĐ, sau gần 6 tháng được chuyển đến CDC tỉnh điều trị, ông vẫn thường xuyên tới khám định kỳ để được xét nghiệm, tư vấn và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhờ thực hiện nghiêm túc và tuân thủ theo tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn, luyện tập và sử dụng thuốc nên các chỉ số đường máu được ổn định, không bị biến chứng sang bệnh khác. “Các y, bác sĩ CDC tỉnh rất nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân, cơ sở vật chất đáp ứng khá tốt, nhưng về lâu dài theo tôi cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa…”, ông Khuyến chia sẻ:
Bác sĩ Lê Thanh Long, Trưởng phòng khám đa khoa CDC tỉnh cho biết: Khoa tiếp nhận bàn giao về nhân lực, vật tư, trang thiết bị, hồ sơ, bệnh án và các văn bản liên quan từ Phòng khám Nội tiết của Trung tâm Mắt-Nội tiết và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất để triển khai công tác tiếp nhận bệnh nội tiết. Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, phòng khám cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu của bệnh nhân về khám các bệnh về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, như: ĐTĐ, bướu cổ…
![]() |
Theo bác sĩ CKI Lâm Quang Bền, Khoa Nội tiết, CDC tỉnh: “Hiện tại, Khoa Nội tiết đang quản lý điều trị cho trên 2.300 bệnh nhân bị các bệnh về chuyển hóa và rối loạn nội tiết, trong đó 300 bệnh nhân ĐTĐ, chiếm khoảng 13%. Bệnh ĐTĐ có đặc điểm tăng đường huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết hocmon insulin của tuyến tụy hoặc do giảm/mất tác động hiệu quả lên mô đích hoặc cả hai. Hậu quả đưa đến tình trạng đường (glucose) trong máu mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrate, protid, lipid… gây nên tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh… Mặc dù với số lượng bệnh nhân đông nhưng đội ngũ y, bác sĩ của khoa luôn cố gắng hết mình, áp dụng các phương pháp chữa trị y học hiện đại với mục đích nâng cao sức khỏe của người dân”.
Là đơn vị tuyến tỉnh về khám, chữa bệnh về nội tiết và rối loạn chuyển hóa, thời gian qua, CDC tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên các nền tảng xã hội, như: Website của trung tâm, facebook, zalo…; tạo điều kiện để cán bộ, y, bác sĩ được đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại các trường đại học y và tham gia các khóa bồi dưỡng do y tế tuyến Trung ương tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và kinh nghiệm trong công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị...
Từ đó, đội ngũ y, bác sĩ cập nhật các kiến thức mới về khám, điều trị, chăm sóc, quản lý toàn diện cũng như nâng cao kiến thức cho bệnh nhân ĐTĐ với mục tiêu nâng cao hiệu quả điều trị và mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia năm 2020 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở đối tượng 30-69 tuổi, tỷ lệ ĐTĐ là 7,3% và tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%; có 62,6% người mắc ĐTĐ không được phát hiện và có 52,3% số người chưa bao giờ làm xét nghiệm đường máu. |
Ông Đinh Thanh Phong, thôn 2 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) khi đưa vợ đến khám đã cho hay: “Vợ tôi bị bệnh đã nhiều năm nay, thường xuyên phải khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ Khoa Nội tiết, CDC tỉnh. Hàng tháng, tôi đưa vợ đến khám và lấy thuốc. Tôi rất hài lòng với thái độ của y bác sĩ nơi đây và rất vui vì sức khỏe của vợ mình ngày càng tốt hơn”.
Gần 6 tháng sáp nhập và đi vào hoạt động tại CDC tỉnh, Khoa Nội tiết đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân tới khám. Trưởng khoa Nội tiết, CDC tỉnh Phạm Thanh Thiện cho biết: “Chúng tôi luôn thực hiện đúng phương châm “bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, lấy sự hài lòng của người bệnh làm thước đo cho chất lượng khám, chữa bệnh. Bởi vậy, số lượng bệnh nhân đến đây ngày càng nhiều, có kết quả điều trị tốt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”.
Theo BS CKII Phạm Thanh Thiện, để tránh những biến chứng không đáng có của bệnh ĐTĐ, cần lắng nghe cơ thể, tự theo dõi, chăm sóc cuộc sống hàng ngày; phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời. Bởi nếu điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Đối với bệnh nhân đã bị ĐTĐ, cần thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng việc ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa việc ăn quá nhiều đồ ngọt, chiên rán và tăng cường bổ sung thêm chất xơ; hạn chế việc sử dụng mỡ động vật. Cùng với đó, người bệnh tích cực luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, như: Đi bộ, yoga, đạp xe..., sẽ làm giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp và giảm hàm lượng cholesterol mà cơ thể đang dư thừa.
Lê Dung