Làm mẹ an toàn-chủ động phòng ngừa sinh non

  • 08:12, 13/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp trẻ sinh non, thậm chí sinh non từ rất sớm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Để giảm thiểu tình trạng này, ngành Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm chăm sóc tốt cho các bà mẹ mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, giảm thiểu tình trạng sinh non.

Theo các chuyên gia y tế, sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi năm nước ta có tới 150 nghìn trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời và tình trạng này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), trung bình mỗi năm có khoảng 250-300 trẻ sinh non điều trị tại Khoa Hồi sức sơ sinh, trong đó nhiều trẻ cân nặng chỉ từ 700-800gram, tuổi thai chỉ khoảng 27-28 tuần.

Trẻ sinh non là trẻ ra đời dưới 37 tuần tuổi, so với trẻ sinh đủ tháng thì trẻ sinh non có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp… và thường phải đối mặt với nguy cơ bất thường trong phát triển vận động, thần kinh, giảm khả năng học tập.

Tỷ lệ tử vong do trẻ sinh non, nhẹ cân cũng chiếm tới 25% số ca tử vong sơ sinh. Khoảng 25% trẻ sinh non bị mù hoặc giảm thị lực, 5% trẻ giảm thính lực. Bên cạnh đó, trẻ sinh non dễ bị những di chứng dài hạn có thể gặp, như: Tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn...

Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện HNVN-CBĐH Phạm Thị Ngọc Hân cho biết, trẻ sinh non là những trường hợp mà tuổi thai chưa đủ, tất cả các cơ quan trong cơ thể của trẻ chưa trưởng thành nên để tiếp nhận một cuộc sống ở bên ngoài tử cung mẹ có rất nhiều khó khăn. Hầu như các cơ quan chưa có thể thích nghi được, ảnh hưởng đầu tiên là hệ hô hấp sẽ gây suy hô hấp, thậm chí có thể ngừng thở; tiếp theo là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, ruột non của trẻ; hoặc trẻ có thể bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện… Ngoài những rủi ro về sức khỏe sau sinh, trẻ sinh non còn phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe lâu dài cho đến tuổi trưởng thành.

Trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt tại Đơn nguyên hồi sức tích cực chống độc Nhi-Sơ sinh (Bệnh viện HNVN-CBĐH).
Trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt tại Đơn nguyên hồi sức tích cực chống độc Nhi-Sơ sinh (Bệnh viện HNVN-CBĐH).

Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh non nên người mẹ khi mang thai cần phải chú trọng trang bị đầy đủ kiến thức để sẵn sàng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Vì đó, việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức làm mẹ an toàn luôn được ngành Y tế quan tâm nhằm giảm tỷ lệ sinh non và tai biến sản khoa, nhất là tại các vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và kiến thức về làm mẹ và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.

Để nâng cao các kiến thức về làm mẹ an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng sinh non cũng như nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau sinh, ngành Y tế đã chỉ đạo các tuyến y tế cơ sở tăng cường các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, mục tiêu trọng tâm là tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai.

Chị Hồ Thị Thâu ở bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) năm nay 17 tuổi, đang mang thai con đầu lòng. Tuy nhiên, chị chưa lần nào đi khám thai, các kiến thức về làm mẹ an toàn và bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi vẫn chưa được chị quan tâm. Chị Thâu vô tư chia sẻ: “Mang thai lần đầu, các chế độ dinh dưỡng cho thai nhi miềng không biết, chỉ ăn như bình thường thôi và cũng chưa đi khám thai lần nào...”.

Nữ hộ sinh Đinh Thị Thanh Tám, Trạm Y tế xã Dân Hóa cho hay: Là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cũng như làm mẹ an toàn và tiếp cận với các phương tiện truyền thông còn rất nhiều hạn chế. Tại đây, nhiều trẻ em gái mới 14 tuổi đã sinh con, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, sinh non… Từ thực trạng đó, thời gian qua, trạm đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền, nói chuyện, tư vấn cho các bà mẹ về chế độ dinh dưỡng trước và trong khi mang thai; về độ tuổi có thai phù hợp, đặc biệt là việc khám thai định kỳ... Nhờ đó, tình trạng sinh non tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm đáng kể.

Thời gian qua, trẻ sinh non trong tỉnh đa số được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện HNVN-CBĐH. Bệnh viện đã trang bị đầy đủ máy móc thiết bị và nhiều phương pháp mới cũng được áp dụng hiệu quả, như: Nuôi con theo phương pháp Kangaroo (đây là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non hoặc nhẹ cân bằng cách tiếp xúc da kề da với mẹ); cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời...

Bên cạnh đó, Khoa Nhi của bệnh viện còn phối hợp chặt chẽ với Khoa Sản để đón và cấp cứu các trường hợp nguy kịch ngay khi trẻ vừa lọt lòng mẹ. Nhờ sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ đó, các trường hợp sinh non mắc bệnh lý đã vượt qua nguy kịch và phục hồi sức khỏe.

Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện HNVN-CBĐH Trần Thị Sơn Trà: “Các bà mẹ khi mang thai cần khám định kỳ tại các cơ sở chuyên sâu về sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, khám ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ, chuẩn bị đầy đủ các kiến thức về dinh dưỡng. Để thai nhi được khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, bà mẹ nên bỏ các thói quen xấu, như: Uống rượu, bia, thuốc lá, ăn uống không lành mạnh... ngay trước khi mang thai và bổ sung vitamin tốt nhất bằng thực phẩm tự nhiên”.
Hoàng Loan
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

tin liên quan

Tăng cường theo dõi chặt chẽ dịch bệnh "bí ẩn" tại Cộng hòa Dân chủ Congo
Tăng cường theo dõi chặt chẽ dịch bệnh "bí ẩn" tại Cộng hòa Dân chủ Congo

(QBĐT) - Sáng 12/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chỉ đạo CDC các tỉnh theo dõi, bám sát thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân để chủ động tăng cường công tác kiểm dịch y tế.

Xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp
Xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp

(QBĐT) - Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn cho công tác khám, chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế đã chú trọng xây dựng hệ thống các cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID và hoàn thiện nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh
Triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID và hoàn thiện nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2350/KH-UBND triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID và hoàn thiện nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh.