Thực hiện Quyết định số 496/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Hiệu quả thiết thực

  • 07:10, 18/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 496/QĐ-TTg, ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 468/KH-UBND, ngày 25/3/2022 về việc triển khai Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển (DS-PT) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Qua hơn 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác DS-PT theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, hiệu quả để giải quyết đồng bộ các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố cũng như chất lượng dân số.
 
Tinh gọn tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển 
 
Trong những năm qua, việc tổ chức bộ máy làm công tác dân số đã được kiện toàn, củng cố và có sự thống nhất, ổn định; duy trì mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-PT các cấp; bổ sung chức năng nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang DS-PT.
 
Tuyến tỉnh giữ ổn định tổ chức Chi cục Dân số-KHHGĐ (nay là Chi cục Dân số theo Quyết định số 2802/QĐ-UBND, ngày 4/10/2024 của UBND tỉnh) thuộc Sở Y tế để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư số 37/2021/TT-BYT, ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế.
 
Tại tuyến huyện, trung tâm dân số-KHHGĐ sáp nhập vào trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và thành lập phòng dân số-truyền thông giáo dục sức khỏe theo Thông tư số 07/2021/TT-BYT, ngày 27/5/2021 của Bộ Y tế về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế địa phương.
 
Hiện nay, tổ chức bộ máy làm công tác dân số tại tuyến tỉnh (Chi cục Dân số) có 2 phòng chức năng với 14 biên chế; tuyến huyện có 43/51 viên chức làm việc tại trung tâm y tế và 149 viên chức và 2 hợp đồng làm việc tại xã, phường, thị trấn; tuyến xã có 1.756 CTV dân số.
 
Cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển chặt chẽ
 
Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể người dân đối với công tác DS-PT, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch về việc phối hợp tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới; lồng ghép tuyên truyền các nội dung DS-PT vào trong các hoạt động của ban, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao việc thực thi pháp luật về dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số thông qua việc thực hiện các chương trình, hoạt động, như: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kiểm soát tốc độ gia tăng giới tính khi sinh…
 Người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân số và phát triển.
Người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân số và phát triển.

Trong quá trình phối hợp liên ngành đã thu được những kết quả nhất định. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ hàng năm thành lập 1 mô hình điểm về “Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”; đến nay, đã thành lập và duy trì 7 mô hình chỉ đạo điểm cấp tỉnh về giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tính đến năm 2023, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng và duy trì được 11 mô hình chỉ đạo điểm về “Khu dân cư thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ, không có người sinh con thứ ba trở lên” tại các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. 100% các chi hội, đoàn thể và toàn thể các hộ gia đình ở khu dân cư ký cam kết làm tốt công tác dân số-KHHGĐ góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và các chính sách về dân số-KHHGĐ nói riêng.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đại chúng (Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) cũng tích cực đăng tải tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-PT; các hoạt động, kết quả đạt được và những khó khăn, thách thức của công tác dân số; tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến…

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác DS-PT cấp tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1538/QĐ-UBND, ngày 9/6/2022 với 25 thành viên, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp hoạt động liên ngành nhằm huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả công tác DS-PT. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt công tác DS-PT; tiến hành kiểm tra việc triển khai chương trình DS-PT trên địa bàn tỉnh… 
 
Cùng với đó, cấp huyện cũng thành lập BCĐ công tác DS-PT (8/8 huyện, thị xã, thành phố) và hàng năm đều được kiện toàn. 151/151 xã, phường, thị trấn đều thành lập BCĐ công tác DS-PT cấp xã. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành ở địa phương trên cơ sở đưa các thành viên BCĐ công tác DS-PT là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể các cấp; tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ban, ngành, cơ quan có liên quan đến lĩnh vực DS-PT trên toàn địa bàn.
 
BCĐ các cấp tham gia xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động trong lĩnh vực DS-PT một cách toàn diện. Huy động sự tham gia hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, tham mưu, giúp UBND các cấp chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác DS-PT trên địa bàn, tạo một sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số của tỉnh.
 
Mạng lưới cộng tác viên dân số phát huy hiệu quả
 
Với đội ngũ 1.756 CTV dân số tại các thôn, xóm, bản, làng trên toàn tỉnh, đội ngũ này được ví như “cánh tay nối dài” đắc lực của ngành Dân số; được xem là kênh truyền thông hiệu quả, mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số trong thời gian qua. Tuy điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, phải thường xuyên đi lại, phụ cấp ít ỏi, không được đóng bảo hiểm… nhưng đội ngũ CTV dân số trên toàn tỉnh vẫn thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao, bên cạnh đó, còn tích cực hỗ trợ, thực hiện các nhiệm vụ khác tại địa phương khi được huy động.
 
Trong năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND, ngày 27/5/2022 về quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho CTV dân số trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND, ngày 18/11/2022 về quy định số lượng, quy trình xét chọn và hợp đồng trách nhiệm đối với CTV dân số trên địa bàn tỉnh… đã mở ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ và động viên cho những cống hiến của đội ngũ CTV dân số trong tỉnh.
 
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2026-2030, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-PT các cấp tiếp tục giữ ổn định, đồng thời hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn… Tin tưởng rằng, công tác DS-PT sẽ tiếp tục vượt qua thách thức đạt được nhiều thành tựu, nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Thu Hiền
(Chi cục Dân số tỉnh)

tin liên quan

Nâng cao năng lực sàng lọc, chẩn đoán lao trẻ em tại các cơ sở y tế
Nâng cao năng lực sàng lọc, chẩn đoán lao trẻ em tại các cơ sở y tế

(QBĐT) - Trong ngày 14 và 15/10, Bệnh viện Phổi Trung ương-dự án phòng, chống lao đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực sàng lọc, chẩn đoán lao trẻ em tại các cơ sở y tế tỉnh, huyện trên địa bàn.

Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên
Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên
(QBĐT) - Được sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trường đại học Y tế Công cộng tổ chức lớp tập huấn "Điều tra thực trạng sử dụng thuốc lá ở người từ 15 tuổi trở lên và công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Quảng Bình năm 2024".
 
Nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng của thuốc lá điện tử
Nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng của thuốc lá điện tử

(QBĐT) - Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện đang trở nên phổ biến, nhất là trong nhóm tuổi thanh niên, thiếu niên và học sinh. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật-đơn vị đầu mối về phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh.