(QBĐT) - Trong ngày 14 và 15/10, Bệnh viện Phổi Trung ương-dự án phòng, chống lao đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực sàng lọc, chẩn đoán lao trẻ em tại các cơ sở y tế tỉnh, huyện trên địa bàn.
Tham gia lớp tập huấn có 40 học viên là cán bộ y tế thuộc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình; trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; các bệnh viện đa khoa tuyến huyện; các đơn vị y tế ngoài công lập trên địa bàn TP. Đồng Hới trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh có liên quan đến trẻ em và các điểm khám sàng lọc lao trẻ em.
![]() |
Trong 2 ngày, lớp tập huấn đã cập nhật nhiều nội dung quan trọng cho học viên, như: Tổng quan về bệnh lao trẻ em và hoạt động lao trẻ em trong Chương trình chống lao quốc gia; chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao trẻ em; chẩn đoán hình ảnh lao trẻ em; lao ngoài phổi ở trẻ em; tiếp cận chẩn đoán lao trẻ em tại các cơ sở y tế; quy trình sàng lọc tích cực lao trẻ em tại các cơ sở y tế công-tư tuyến tỉnh, huyện…
Các học viên và giảng viên còn trực tiếp trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề, như: Về lâm sàng ca bệnh lao trẻ em, chẩn đoán lao trẻ em, việc tổ chức triển khai sàng lọc lao trẻ em… cùng giải đáp nhiều thắc mắc phát sinh trong thực tế khám, chữa bệnh lao, nhất là lao trẻ em tại các cơ y tế thời gian qua.
![]() |
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao, đặc biệt là trẻ em sống trong gia đình người mắc bệnh lao phổi có nguy cơ bị nhiễm lao và mắc bệnh lao cao hơn những trẻ em khác, nhất là trẻ em nhỏ dưới 5 tuổi.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có dịch tễ bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 172.000 trường hợp mắc lao mới xuất hiện hàng năm, 13.600 ca tử vong do lao.
Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới chỉ phát hiện và báo cáo khoảng trên 100.000 người bệnh lao, vẫn còn một số lượng khá lớn (trên 40%) người mắc lao, trong đó có trẻ em nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị.
![]() |
Trẻ em chiếm 3,7% (6.300 ca) tổng số ca lao tại Việt Nam. Nhưng hàng năm Chương trình chống lao quốc gia chỉ phát hiện và điều trị số ca lao trẻ em chiếm < 2% trong tổng số ca lao các thể. Các thể bệnh lao ở trẻ em thường có số lượng vi khuẩn ít tại nơi tổn thương, nên kết quả xét nghiệm vi khuẩn thường âm tính, chính vì vậy các ca bệnh thường bị bỏ sót.
Bên cạnh đó, các triệu chứng nghi lao ở trẻ thường tương tự các triệu chứng của các bệnh đường hô hấp khác, trẻ thường được gia đình đưa đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhi khoa, mà không tìm đến các cơ sở khám, chữa bệnh lao.
Chính vì vậy, các học viên sau khi tham gia lớp tập huấn sẽ có hướng tiếp cận mới trong sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh lao cho trẻ đến khám tại hệ thống khám, chữa bệnh nhi khoa các tuyến tỉnh, huyện… nhằm tăng cường phát hiện bệnh lao ở trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội Hà