(QBĐT) - Đoàn kiểm tra liên ngành (Công an tỉnh và Sở Y tế) về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã phát hiện nhiều sai phạm và đình chỉ hoạt động 7 cơ sở cấp cứu ngoại viện tư nhân.
Phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình kiểm tra
Ông Mai Thanh Hải, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: Các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh có sử dụng phương tiện vận chuyển người bệnh, xe cứu thương đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh về dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh, bao gồm: 1 bệnh viện tuyến trung ương, 1 bệnh viện tuyến tỉnh, 1 trung tâm tuyến tỉnh, 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Các cơ sở y tế ngoài công lập gồm 3 bệnh viện tư nhân, 1 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trực thuộc Công ty TNHH Cấp cứu 115 Quảng Bình.
![]() |
Thực hiện quy chế liên ngành Bộ Công an-Bộ Y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế, vừa qua, đoàn công tác liên ngành tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh tại 20 cơ sở với 44 xe ô tô cứu thương. Trong đó, cơ sở cấp cứu ngoại viện công lập 10 cơ sở với 26 xe ô tô cứu thương; cơ sở cấp cứu ngoại viện tư nhân 10 cơ sở với 18 xe ô tô cứu thương.
Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận, các cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác khám, chữa bệnh; quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật có hợp đồng lao động và đủ điều kiện sức khỏe theo quy định; người phụ trách chuyên môn, các nhân viên làm việc ở các cơ sở dịch vụ đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động được phê duyệt.
Tuy nhiên, đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện công lập vẫn còn một số tồn tại, như: Danh mục trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương chưa đầy đủ; một số xe chưa có giấy phép sử dụng phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho các xe ô tô cứu thương hoặc có nhưng đã hết hiệu lực.
Đáng chú ý, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch đã ký hợp đồng với 3 cơ sở về việc cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh là chưa đúng theo quy định của pháp luật.
![]() |
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa những tồn tại, khuyết điểm, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh; yêu cầu các bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch khẩn trương thu hồi hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển bệnh nhân đã ký với các cơ sở tư nhân chưa được cấp phép.
Đình chỉ hoạt động 9 xe cứu thương không phép
Đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện tư nhân còn khá nhiều tồn tại, khuyết điểm, có những cơ sở sử dụng xe ô tô không đủ điều kiện để hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh...
Theo đoàn kiểm tra liên ngành, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 9 xe ô tô cứu thương hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh. Qua kiểm tra đoàn đã yêu cầu đình chỉ 7 cơ sở hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh với 9 xe ô tô.
![]() |
Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình, Bệnh viện Hữu nghị Quảng Bình và Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trực thuộc Công ty TNHH Cấp cứu 115 Quảng Bình bổ sung đầy đủ các danh mục va ly thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương; thực hiện và bổ sung các tiêu chuẩn chưa đầy đủ của xe ô tô cứu thương được quy định tại Thông tư số 27/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017 của Bộ Y tế.
Sở Y tế đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng PC08 có phương án ngăn chặn, nghiêm cấm hoạt động và xử lý nghiêm các xe ô tô cứu thương vận chuyển người bệnh của các cơ sở chưa được thẩm định và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời, phối hợp tạo điều kiện cấp giấy phép sử dụng phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên đối với các xe ô tô cứu thương của các cơ sở đã đủ điều kiện được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
7 cơ sở cấp cứu ngoại viện tư nhân bị đình chỉ hoạt động: TP. Đồng Hới có 2 cơ sở của ông Hoàng Quý Danh (2 xe) và Công ty TNHH Vận tải Tâm Trí (1 xe); TX. Ba Đồn có 2 cơ sở của ông Trần Văn Minh (1 xe) và cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh thuộc Công ty TNHH TM Tổng hợp 379 (2 xe); ông Lê Thanh Minh (1 xe) ở huyện Quảng Trạch; ông Tôn Thất Đạt (1 xe) ở huyện Tuyên Hóa; ông Hoàng Thanh Hải (1 xe) ở huyện Lệ Thủy. |
Nội Hà