(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh truyền thông, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), bảo đảm hậu cần phương tiện tránh thai (PTTT) và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số (DS)… cho người dân. Nhờ đó, công tác DS trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Thực hiện công tác DS, Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh truyền thông với các thông điệp chủ đạo, như: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con”, “Dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”… đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội... Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 60 cuộc tuyên truyền cho hơn 480 lượt người; phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều tin, bài phản ánh về công tác DS trên địa bàn.
Trung tâm và các trạm y tế xã cũng đã tư vấn cho trên 500 phụ nữ mang thai, nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Các hoạt động truyền thông về DS thông qua hoạt động văn hóa, thể thao… tại cộng đồng được thực hiện thường xuyên. Trên địa bàn, các câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3, CLB bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, thanh thiếu niên được duy trì hoạt động thường xuyên.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa Cao Sỹ Phượng cho biết: “Công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các vấn đề DS, lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giá trị và quyền bình đẳng của trẻ em gái; hiểu biết, kỹ năng thực hành của mọi người dân về các vấn đề liên quan đến tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh. Từ đó, thay đổi hành vi của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…”.
![]() |
Việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ và bảo đảm hậu cần PTTT được quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, số ca mới áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Toàn huyện có 328 ca dùng dụng cụ tử cung, trên 2.500 cặp vợ chồng sử dụng các BPTT… Chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai thường xuyên tại 19 xã, thị trấn. Bên cạnh đó, ban DS và phát triển các địa phương đã tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc trước sinh/sơ sinh.
Toàn huyện hiện có 8 CLB vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) đang hoạt động. Từ mô hình đã giúp cho hàng trăm VTN/TN được khám, tư vấn sức khỏe sinh sản. Hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được ban DS và phát triển của trung tâm thường xuyên tuyên truyền, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính trên địa bàn...
Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Tuyên Hóa có trên 350 trẻ sơ sinh; trong đó trẻ em nam có 188 cháu, trẻ em nữ có 168 cháu. Số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên có 68 cháu. Nhờ thực hiện tốt công tác DS nên tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng BPTT tăng, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm, trẻ em sinh ra khỏe mạnh, các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ được chăm sóc tốt hơn so với cùng kỳ…
![]() |
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, viên chức DS (thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa) phụ trách xã Đồng Hóa tâm sự: “Triển khai công tác DS trên địa bàn, hàng tháng chúng tôi đều phối hợp với trạm y tế truyền thông, tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Các nội dung truyền thông liên quan đến sàng lọc trước sinh, sơ sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi, tư vấn các BPTT an toàn, hiện đại”. Nhờ triển khai tích cực các hoạt động DS nên trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã Đồng Hóa giảm so với trước, các cặp vợ chồng sử dụng BPTT an toàn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra…
![]() |
Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xã Tiến Hóa có 27 trẻ sơ sinh, 21 bà mẹ được khám sàng lọc trước sinh, hàng chục cặp vợ chồng được khám sức khỏe tiền hôn nhân, gần 800 người được áp dụng các BPTT. Tỷ lệ phụ nữ được khám phụ khoa, khám sức khỏe cho bà mẹ mang thai đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Ngà, viên chức DS (thuộc Trung tâm Y tế huyện Tuyên Hóa) phụ trách xã Tiến Hóa chia sẻ: “Để đạt kết quả đó, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã triển khai công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ…
Với các giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, công tác DS trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã và đang có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
“Ðể nâng cao hiệu quả công tác DS-KHHGĐ, thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tăng cường chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGD; tư vấn trực tiếp đến các hộ gia đình, cụm dân cư nhằm duy trì kết quả giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Trung tâm cũng sẽ rà soát thông tin, số liệu biến động về DS và phát triển/KHHGĐ để cập nhật thông tin mới vào kho dữ liệu dân cư cấp huyện đầy đủ, chính xác”, ông Cao Sỹ Phượng cho biết thêm. |
Xuân Vương