Bé gái 11 tháng tuổi ngộ độc chì nguy kịch do dùng "thuốc cam"

  • 08:05, 10/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều nay, 10/5, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) Phạm Thị Ngọc Hân cho biết, khoa vừa nhận thông báo kết quả xét nghiệm chính thức của Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định: Bé gái 11 tháng tuổi bị ngộ độc chì và asen (2 kim loại nặng) do dùng “thuốc cam”.
 
Trước đó, chiều 8/5/2024, Khoa Nhi Bệnh viện HNVN-CBĐH tiếp nhận một bé gái 11 tháng tuổi đến từ xã Hưng Trạch (Bố Trạch) nhập viện vì co giật. Qua khai thác bệnh sử, được biết, 2 tuần trước bé bị sốt, gia đình đã cho bé uống một loại thuốc bột do nhà hàng xóm cho. Sau đó 1 tuần cháu bị nhiệt miệng, gia đình lại tiếp tục cho bé uống và rơ miệng cũng bằng loại thuốc đó mua ở chợ.   
 
"Quan sát biểu hiện của bệnh nhân kết hợp thăm khám, chúng tôi đã đưa ra chẩn đoán bé bị ngộ độc chì do sử dụng "thuốc cam", là loại thuốc "gia truyền" mà cháu đã được gia đình cho uống và rơ miệng. Ngộ độc chì do “thuốc cam” được cảnh báo khá nhiều ở các tỉnh miền Bắc, nhưng đây là trường hợp đầu tiên được phát hiện và chẩn đoán tại Bệnh viện HNVN-CBĐH. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cháu bé đã kịp thời được chuyển lên tuyến trên trong ngày 9/5. Tuy nhiên, nguy cơ bé bị di chứng thần kinh rất cao (bại não do chất độc đã thấm vào não). Hiện, cháu bé đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân cho biết.
Bé gái 11 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng do dùng loại “thuốc cam” (trong ảnh).
Bé gái 11 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng do dùng loại “thuốc cam”.
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe, gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày-đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì, nhưng các loại thuốc nam được dân gian gọi là “thuốc cam” dùng để bôi, uống là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì nặng, để lại di chứng nặng nề, thậm chí khiến trẻ có thể bị tàn phế suốt đời. 
 
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần tin tưởng vào các phương pháp điều trị đã được y học chứng minh. Không nên nghe theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, không tự ý mua và cho trẻ dùng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành, đặc biệt là “thuốc cam”. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi không bảo đảm chất lượng có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác.
 
Chính quyền địa phương cũng như y tế cơ sở cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân (vì nhiều người tin rằng “thuốc cam” là loại thuốc Đông y "gia truyền" nên vô hại, trẻ bị bệnh gì cũng dùng loại thuốc này, thậm chí không bị bệnh cũng được cho uống để khỏe mạnh, ăn ngon, chóng lớn...). Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, quản lý, không để các loại thuốc dân gian như “thuốc cam” bán trôi nổi ở các chợ, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi… gây hại cho sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nội Hà

tin liên quan

"Hiến giọt máu đào-Trao đời sự sống"
"Hiến giọt máu đào-Trao đời sự sống"
(QBĐT) - Sáng nay, 10/5, tại Trường đại học Quảng Bình, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Huế tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2024.
 
Việt Nam không còn vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca
Việt Nam không còn vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca

Trước thông tin từ hãng dược AstraZeneca cho biết đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vaccine COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Việt Nam đã không còn sử dụng loại vaccine này.

Phòng bệnh tan máu bẩm sinh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội
Phòng bệnh tan máu bẩm sinh là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội

(QBĐT) - Thalassemia (còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là một trong những căn bệnh mang đến nỗi đau dai dẳng cho người bệnh và gây ra hậu quả nghiêm trọng làm suy giảm sự phát triển giống nòi…