Cảnh báo thời tiết chuyển lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ tim và biến chứng tim mạch

  • 08:12, 17/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển lạnh đột ngột không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ tim mà còn khiến các bệnh lý tim mạch khác như huyết áp, suy tim, tim bẩm sinh… trở nặng nếu không được chăm sóc, phòng ngừa đúng cách.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV
Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ tim hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi tim bị tắc đột ngột, gây tổn thương mô cơ tim. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước với các dấu hiệu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.
 
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, đột quỵ tim có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi và thời tiết nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa lạnh nguy cơ đột quỵ tim cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi tăng thêm khoảng 7%. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác.
 
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh lý giải, vào những hôm trời lạnh cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C) khiến tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, dễ khiến bệnh tim mạch trở nặng nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ giảm có thể làm tăng nồng độ fibrinogen – loại protein chính liên quan đến hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim.
 
Bên cạnh đó, trời lạnh còn khiến người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất là cúm. Đây là bệnh lý do virus gây ra, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, trong đó có suy tim, nhồi máu cơ tim.
 
Để phòng ngừa đột quỵ tim và các biến chứng tim mạch trong mùa lạnh, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh khuyến cáo, người dân cần giữ ấm cơ thể, ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, tránh vận động gắng sức, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, theo dõi huyết áp, điều trị tốt các bệnh nền. Người lớn tuổi, nhất là người có bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ, cần tiêm vaccine phòng bệnh cúm, viêm phổi, ho gà, bạch hầu.
 
Song song với tiêm vaccine đầy đủ, giữ ấm, người già tránh tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm, bổ sung vitamin C và các dưỡng chất khác, đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế vận động mạnh để tránh ra nhiều mồ hôi khiến cơ thể mất nước.
Theo Báo Tin tức

tin liên quan

Ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, chủ động ứng phó nếu COVID-19 quay trở lại
Ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, chủ động ứng phó nếu COVID-19 quay trở lại

Tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức chiều 15/12, thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Bệnh dịch đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia.

TP. Đồng Hới: Khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh
TP. Đồng Hới: Khống chế hiệu quả các loại dịch bệnh

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn TP. Đồng Hới tiếp tục được quan tâm chú trọng.

Sở Y tế: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
Sở Y tế: Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

(QBĐT) - Từ ngày 29/11-15/12, Sở Y tế tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh.