Cô đỡ thôn, bản-cánh tay nối dài của ngành Y tế: Kỳ 2: Tìm giải pháp hỗ trợ cô đỡ thôn, bản

  • 07:08, 28/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mạng lưới cô đỡ thôn, bản (CĐTB) có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS)… đã được ngành Y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận. Tuy vậy, hiện nay, đội ngũ CĐTB nói chung đang hoạt động rất khó khăn, thiếu thốn. Hơn lúc nào hết, họ rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành để vững chân trên những hành trình về với bản làng.
 
 
Quan tâm đào tạo…
 
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, năm 1992, GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh) đã có sáng kiến đào tạo CĐTB là người DTTS. Mô hình này đã được nhân rộng trên nhiều tỉnh. Đến nay, cả nước đã có hơn 3.000 CĐTB được đào tạo và hoạt động tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn trong toàn quốc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức khóa tập huấn cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn bản tháng 8/2023.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức khóa tập huấn cập nhật kiến thức cho CĐTB tháng 8/2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh, từ năm 2011, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai đào tạo đội ngũ CĐTB, đến nay, đã có trên 40 CĐTB hoạt động tại 49 thôn, bản của các xã miền núi thuộc 4 huyện: Minh Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch và Tuyên Hóa. Nhiều năm qua, tại các vùng miền núi và vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh, các CĐTB đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh.

Họ trở thành cánh tay nối dài của ngành Y tế đến gần dân nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng ở những vùng khó khăn của tỉnh. Việc đào tạo mới và đào tạo cập nhật nâng cao năng lực cho đội ngũ CĐTB là một trong những vấn đề đang được ngành quan tâm; trong năm 2022, đã tổ chức 1 lớp tập huấn và trong năm 2023 dự kiến sẽ tổ chức từ 2-3 lớp cho đội ngũ này.

“Sau một thời gian dài tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, cuối năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức 1 khóa tập huấn cập nhật, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đội ngũ CĐTB đang hoạt động tại các xã miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh. Mới đây nhất, từ ngày 21-25/8, trung tâm tiếp tục phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức lớp tập huấn cập nhật kiến thức cho 25 CĐTB và hộ sinh thuộc các xã của huyện Minh Hóa. Qua các lớp tập huấn này, sẽ giúp CĐTB từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại bản làng mình sinh sống, góp phần giảm thiểu số ca tử vong cho bà mẹ trong quá trình mang thai và sinh đẻ”, bác sĩ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ.

Là giảng viên trực tiếp tham gia đào tạo nhiều lớp CĐTB, cô Phan Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình cho biết, để trở thành “cô đỡ”, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, học viên là những phụ nữ DTTS có trình độ học vấn thấp, có những người mới chỉ biết đọc và viết được tiếng Việt nên khả năng thu nhận kiến thức hạn chế...

Một giờ học thực hành “cầm tay chỉ việc” cho cô đỡ thôn bản.
Một giờ học thực hành “cầm tay chỉ việc” cho CĐTB.

Nhưng đổi lại sự chịu khó học hỏi và đặc biệt với phương pháp cầm tay chỉ việc, các học viên đã tiếp thu được các nội dung chủ yếu, như: Chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ em sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em; đặc biệt là kỹ năng xử trí những tình huống khẩn cấp liên quan đến bà mẹ và trẻ sơ sinh khi cán bộ y tế chưa tiếp cận đến nơi. 

Thực tế cho thấy, từ khi các thôn, bản có “cô đỡ” thì kiến thức và thực hành của phụ nữ DTTS đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện; tỷ lệ chấp nhận khám thai, đến đẻ tại cơ sở y tế hoặc đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của CĐTB tăng lên. Phụ nữ có thai đã chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đi khám thai, tiêm phòng... tại các cơ sở y tế.

… Và “tiếp sức” cho cô đỡ thôn, bản

Nhận thức rõ vai trò của CĐTB trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng, duy trì và phát triển mạng lưới này. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách còn gặp nhiều khó khăn, CĐTB hoạt động không có kinh phí hỗ trợ. Hàng tháng chỉ nhận được ít phụ cấp từ việc kiêm nhiệm y tế thôn, bản nhưng từ năm 2019 đến nay, khoản phụ cấp này cũng đã bị cắt, ảnh hưởng lớn đến tâm tư và công việc hàng ngày của các CĐTB.

Y Mắc (người Ma Coong, cô đỡ của bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, Bố Trạch) nói: “Nếu có được khoản phụ cấp hàng tháng thì mình cũng như các chị em sẽ yên tâm rất nhiều, tập trung làm tốt hơn cho công việc, giúp bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiến gần hơn với miền xuôi”.

Cô đỡ thôn bản đã góp sức làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
CĐTB đã góp sức làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Là địa phương có nhiều CĐTB đang hoạt động (chỉ sau huyện Minh Hóa), Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy Nguyễn Công Quân xác nhận, đội ngũ CĐTB khá thiệt thòi vì đã bị cắt phụ cấp trong khi với những đóng góp của họ, cần được quan tâm hỗ trợ để phát huy nguồn nhân lực tại chỗ trong cộng đồng ĐBDTTS. Vừa rồi, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm hỗ trợ cho CĐTB tại 3 xã miền núi của huyện.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động của CĐTB cả nước nói chung trong đó có Quảng Bình còn gặp một số khó khăn nhất định. Cuối tháng 3/2023, khi có quyết định của UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Sở Y tế đã có quyết định phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị trong ngành, trong đó có nguồn hỗ trợ phụ cấp CĐTB từ ngân sách địa phương. Nguồn hỗ trợ này thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi.

Thời gian tới, cùng với việc đào tạo cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn, sở cũng sẽ phối hợp tham mưu thực thi chính sách đãi ngộ đối với CĐTB, nhằm hỗ trợ, động viên và duy trì hoạt động của đội ngũ này, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Từ đó, góp phần giảm tử vong ở bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực và chất lượng dân số vùng DTTS và miền núi.

Theo Quyết định số 646/QĐ-UBND phân bổ nguồn vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 trên địa bàn Quảng Bình, dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em do Sở Y tế thực hiện với tổng số vốn hơn 2,42 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ phụ cấp CĐTB là 921 triệu đồng, cụ thể: Minh Hóa 330 triệu đồng, Tuyên Hóa 36 triệu đồng, Bố Trạch 197 triệu đồng, Quảng Ninh 170 triệu đồng và Lệ Thủy 188 triệu đồng.
Nội Hà

tin liên quan

Cô đỡ thôn, bản-cánh tay nối dài của ngành Y tế: Kỳ 1: Cô đỡ thôn, bản-họ là ai?
Cô đỡ thôn, bản-cánh tay nối dài của ngành Y tế: Kỳ 1: Cô đỡ thôn, bản-họ là ai?

(QBĐT) - Nhờ những đóng góp tích cực của đội ngũ cô đỡ thôn, bản mà tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Phòng khám đa khoa ngoài công lập không được chuyển trực tiếp người bệnh lên tuyến trung ương
Phòng khám đa khoa ngoài công lập không được chuyển trực tiếp người bệnh lên tuyến trung ương
(QBĐT) - Giám đốc Sở Y tế bác sĩ Dương Thanh Bình cho biết, trên cơ sở UBND tỉnh có quyết định về việc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trực thuộc Sở Y tế, sở vừa có hướng dẫn thực hiện công tác khám chữa bệnh  bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
 
Bệnh nhân vẫn có rủi ro sức khỏe sau hai năm mắc COVID-19
Bệnh nhân vẫn có rủi ro sức khỏe sau hai năm mắc COVID-19

Theo một nghiên cứu quy mô lớn chỉ ra tác động sức khỏe kéo dài của COVID-19, nguy cơ mắc bệnh mới, thương tật và tử vong vẫn tăng cao ở một số bệnh nhân sau hai năm mắc COVID-19.