(QBĐT) - Sáng nay, 31/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn về công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thuộc quân y Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bệnh xá Công an tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Tại lớp tập huấn, các học viên được tiếp thu những nội dung chủ yếu về bệnh đậu mùa khỉ, như: Giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nhập cảnh vào địa phương có nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ; truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh đậu mùa khỉ và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng; sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị kịp thời, an toàn, hiệu quả và bảo đảm phòng lây nhiễm chéo bệnh đậu mùa khỉ.
Đồng thời, trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan trong triển khai phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên thực tế tại địa phương, đơn vị... để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta, nhất là tuyến biên giới.
![]() |
Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Thống kê của WHO, tính tới 23/8/2022, tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ được công bố tại 96 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới là trên 44.503 ca, với phần lớn trong số này là số ca nhiễm ở những địa điểm chưa có báo cáo về bệnh đậu mùa ở khỉ trong lịch sử; đã có 12 trường hợp tử vong được thông báo tại 5 quốc gia. Hiện tại, một số quốc gia gần với Việt Nam, như: Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm bệnh.
Hiện Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, trước tình hình mở cửa đón khách du lịch và các đối tác kinh tế trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, chúng ta cũng đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch đậu mùa khỉ xâm nhập trong cộng đồng và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
![]() |
Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, như: Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ); tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ (khăn trải giường, quần áo người bệnh); cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly các trường hợp bệnh nghi ngờ, có thể và xác định; tuân thủ các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, người chăm sóc người bệnh và các người bệnh khác tại các cơ sở điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nội Hà