(QBĐT) - Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, Chính phủ đã xác định mục tiêu quan trọng là bao phủ vắc-xin cho người dân Việt Nam. Hiện, vấn đề này đang được người dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được triển khai tại tỉnh ta trong thời gian tới, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế.
P.V: Tiêm vắc-xin có phải là giải pháp lâu dài trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những đối tượng nào sẽ được ưu tiên trong việc viêm vắc-xin tại Quảng Bình, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Cường: Vấn đề ngăn chặn đại dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường là nhu cầu bức thiết của mỗi quốc gia và cả cộng đồng. Do đó, hiện nay, vắc-xin đang được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19. Đây được xem là giải pháp lâu dài, giúp chúng ta chống đỡ vi rút, tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không nên phụ thuộc vào vắc-xin dẫn đến chủ quan, lơ là các giải pháp khác mà vẫn phải tiếp tục kiên trì thực hiện chiến lược “5K + vắc-xin” để đẩy lùi dịch bệnh.
Trong đợt 1, Bộ Y tế cấp cho tỉnh Quảng Bình 8.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 của Tập đoàn AstraZeneca. Các đối tượng được ưu tiên tiêm trong đợt 1 này gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống, dịch bệnh Covid-19 các cấp; Cục Hải quan; lực lượng Bộ đội Biên phòng; lực lượng Công an; nhân viên Cảng hàng không Đồng Hới; nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; Kho bạc Nhà nước; nhân viên nhà Ga Đồng Hới; Sở Giao thông vận tải (lĩnh vực vận tải), Sở Ngoại vụ, Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Du lịch, nhà nghỉ Thu Vân (điểm cách ly tập trung của tỉnh cho các chuyên gia), Trung tâm Hành chính công, Ban tiếp công dân tỉnh, lực lượng phóng viên (Sở Thông tin-Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài PT-TH tỉnh); cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị khác và đối tượng dự phòng.
![]() |
Thời gian tiêm chủng sẽ được triển khai tùy theo tiến độ cung ứng vắc-xin thực tế và các chỉ đạo của Bộ Y tế, dự kiến bắt đầu từ ngày 27-4-2021 đến 15-5-2021. Ngành Y tế sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và Bệnh xá Công an tỉnh.
P.V: Ông có thể thông tin về loại vắc-xin mà nước ta sẽ sử dụng để tiêm phòng Covid-19?
Ông Nguyễn Đức Cường: Vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca là vắc-xin phòng bệnh do vi rút SARS-CoV-2, thành phần của vắc-xin được sản xuất từ Adenovirus có chứa gen tổng hợp protein của vi rút SARS-CoV-2. Vắc xin được nghiên cứu, phát triển bởi Đại học Oxford và được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15-2-2021.
Tính đến ngày 8-3-2021, vắc-xin này đã được 98 quốc gia lưu hành và sử dụng. Tại Việt Nam, vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Quyết định số 983/QĐ-BYT ngày 1-2-2021.
Vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 4-12 tuần (1-3 tháng).
P.V: Vậy xin ông cho biết, những đối tượng nào không nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19?
Ông Nguyễn Đức Cường: Vắc-xin được khuyến cáo không tiêm chủng đối với các trường hợp như: người quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc-xin sau đây: L-Histidine, L-Histidine hydrochloride monohydrate, Magie clorua hexahydrat, Polysorbate 80, Etanol, Sucrose, Natri clorua, Dinatri edetat dihydrat, nước pha tiêm.
Những người có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2. Hoãn tiêm chủng với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển và những người đang mắc bệnh Covid-19 được xét nghiệm chẩn đoán dương tính bằng phương pháp PCR. Những người này có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh…
P.V: Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có những phản ứng thông thường nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Cường: Phản ứng (≥10%) sau tiêm có thể xảy ra là đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau và sưng đỏ tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh, sốt nhẹ… Các phản ứng ít gặp bao gồm chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban.
P.V: Để triển khai công tác tiêm vắc-xin đúng tiến độ và bảo đảm an toàn, Sở Y tế đã có chỉ đạo gì?
Ông Nguyễn Đức Cường: Do đây là vắc-xin mới nên công tác an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Ngành Y tế đã rà soát các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để triển khai tiêm theo đúng kế hoạch. Ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau tiêm, bảo đảm tiêm đúng đối tượng và thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc-xin cùng tất cả các hoạt động liên quan đến công tác tiêm chủng.
Tại 9 điểm tiêm chủng, các đơn vị y tế sẽ bố trí nhân lực thường xuyên theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng (nếu có), chủ động chuẩn bị các phương tiện cấp cứu tại chỗ, hộp thuốc phòng, chống sốc và thành lập đội cấp cứu lưu động cùng phương tiện để cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết.
Trong đợt 1, tất cả điểm tiêm được bố trí ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và Bệnh xá Công an. Các đơn vị như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế tuyến huyện và các bệnh viện có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai hoạt động tiêm chủng. Sau đợt tiêm này, ngành Y tế sẽ có đánh giá cụ thể và mở rộng đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện hoạt động tiêm chủng nhằm cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn thể cộng đồng.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, ngành Y tế yêu cầu người dân sau khi tiêm nên ở lại điểm tiêm 30 phút để cán bộ y tế theo dõi sức khỏe. Ngành đã tổ chức tập huấn công tác tiêm chủng cho toàn bộ cán bộ y tế tham gia tiêm chủng và bảo đảm các điều kiện tốt nhất có thể để cấp cứu, xử trí kịp thời đối với trường hợp có phản ứng quá mức sau tiêm chủng.
P.V: Xin cảm ơn ông.
Nh.V (thực hiện)