Dấu ấn CDC Quảng Bình (kỳ 2): Chống dịch bằng tinh thần vững vàng và chủ động

  • 07:04, 22/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đối với một đại dịch có tốc độ lây lan nhanh như Covid-19, việc tăng cường giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì vậy, từ đầu mùa dịch, ngành Y tế nói chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình nói riêng đã có những chiến lược bài bản cả về nhân lực, trang thiết bị để chủ động, sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
 
CDC Quảng Bình được thành lập theo theo Quyết định số 4559/QĐ-UBND, ngày 22-11-2019 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất 6 trung tâm y tế tuyến tỉnh có cùng chức năng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2020. Tuy mới thành lập song cái tên CDC lại được nhắc đến nhiều bởi những dấu ấn mà đội ngũ cán bộ y tế nơi đây tạo nên trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19.
 Cán bộ CDC Quảng Bình đã thực hiện tốt các kỹ thuật xét nghiệm bằng hệ thống Realtime-RT-PCR.
Cán bộ CDC Quảng Bình đã thực hiện tốt các kỹ thuật xét nghiệm bằng hệ thống Realtime-RT-PCR.
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, CDC Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không. Tính từ đầu mùa dịch đến giữa tháng 4, có thể tạm chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ bệnh nhân số 1 đến bệnh nhân số 16; giai đoạn 2 từ bệnh nhân số 17 đến ngày 20-3 và giai đoạn 3 tính từ ngày 18-3 (thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh vào Việt Nam) đến nay.
 
Ở giai đoạn 1, Quảng Bình chủ yếu tập trung vào các hoạt động kiểm soát lượng khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không và xây dựng các tình huống đối phó với những cấp độ của dịch bệnh. Bước sang giai đoạn 2, ngành Y tế mà vai trò tiên phong là CDC Quảng Bình đã tăng cường lực lượng để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, cách ly theo dõi sức khỏe  các hành khách, phần lớn là người nước ngoài đến Quảng Bình, nhất là các du khách người Anh, trong đó có một số trường hợp đến Việt Nam cùng chuyến bay có người mắc Covid-19.
 
Các đội phản ứng nhanh của CDC Quảng Bình và các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã luôn vào cuộc với tinh thần “vững vàng, chủ động, khẩn trương” nhằm đưa người về từ vùng dịch, người có tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với người mắc bệnh đến các khu cách ly tập trung, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và khử khuẩn môi trường.
 
Có những thời điểm liên tục tiếp nhận thông tin người nước ngoài đến Quảng Bình, trong đó có cả những người tiếp xúc gần với  bệnh nhận Covid-19 trên các chuyến bay, hay người về từ vùng dịch, cán bộ CDC Quảng Bình phải di chuyển nhiều địa điểm khác nhau, khi thì home stay, khi ở khách sạn, có trường hợp ở nhà riêng… để tiếp cận đối tượng, đưa họ về các điểm cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường.
   Trước khi tiễn công dân về địa phương, cán bộ y tế trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và luôn dặn dò công dân thực hiện chăm sóc, theo dõi sức khỏe.
Trước khi tiễn công dân về địa phương, cán bộ y tế trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và luôn dặn dò công dân thực hiện chăm sóc, theo dõi sức khỏe.
Quãng thời gian vất vả nhất, nan giải nhất là giai đoạn 3, khi lượng người từ Lào, Thái Lan nhập cảnh về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) rất đông. Có những ngày, các lực lượng chức năng phải đón tầm 600 đến 700 người từ cửa khẩu về các khu cách ly trên địa bàn tỉnh. 3 đội phản ứng nhanh của CDC được bố trí ở 3 khu vực (phía bắc, phía nam, cửa khẩu) và đội phun khử khuẩn luôn có mặt kịp thời tại các điểm trọng yếu để triển khai nhiệm vụ.
 
Ngoài việc đưa công dân về các khu cách ly, cán bộ y tế còn chú trọng đến việc điều tra lịch sử tiếp xúc, đi lại của các công dân và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Mục tiêu của ngành Y tế là nếu phát hiện trường hợp mắc Covid-19 sẽ cách ly, điều trị sớm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
 
Nhằm thực hiện tốt việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tất cả các công dân cách ly y tế tập trung, bảo đảm 100% công dân có kết quả xét nghiệm âm tính mới cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, CDC Quảng Bình đã tăng cường đội ngũ lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Trung ương Huế để xét nghiệm. Đặc biệt, được tỉnh đầu tư hệ thống hệ thống xét nghiệm Realtime-RT-PCR, cán bộ CDC Quảng Bình đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, làm chủ kỹ thuật để có thể vận hành hiệu quả hệ thống.
 
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho hay: "Trước đó, đơn vị đã cử 4 cán bộ (2 người đến Bệnh viện Trung ương Huế, 2 người đến Viện Pasteur Nha Trang) để học kỹ thuật xét nghiệm theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Trung tâm đã nhanh chóng cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị… và tiến hành lắp đặt, đưa hệ thống xét nghiệm Realtime-RT-PCR vào hoạt động từ ngày 15-4".
 
Để đáp ứng yêu cầu công việc, cán bộ Khoa Xét nghiệm-Chẩn đoán hình ảnh-Thăm dò chức năng-Labo an toàn sinh học cấp 2 luôn phải làm việc quá thời gian quy định. Tổ xét nghiệm được chia làm 2 nhóm (sáng và chiều), ca sáng bắt đầu từ lúc 7h30' và kết thúc gần 12h trưa; ca chiều từ 2h đến tầm 9h tối. Chị Đoàn Thị Ngọc Mai, cán bộ xét nghiệm của khoa cho biết: "Nhờ được trang bị kiến thức kỹ năng xét nghiệm nên chúng tôi đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn công việc. Thời gian làm việc trong phòng xét nghiệm của chúng tôi thực sự là rất dài nhưng chúng tôi luôn cố gắng tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi chúng tôi đều hiểu rằng, công việc mình đang làm góp phần rất quan trọng trong công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Cả nước, cả tỉnh đã và đang vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và chúng tôi là cán bộ y tế càng phải xác định rõ hơn trách nhiệm của mình".
 
Tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những cán bộ y tế luôn mặc đồ bảo hộ kín mít mới thấu hiểu hết những gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Gian khổ, hiểm nguy luôn rình rập nhưng họ luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường động viên nhau vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ.
 
Đến thời điểm này, Quảng Bình chưa có người mắc Covid-19. Để làm nên những kết quả bước đầu này, trong sự nỗ lực chung của toàn tỉnh có sự đóng góp rất lớn của lực lượng cán bộ y tế CDC Quảng Bình. Thành quả mà CDC đạt được trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, Covid-19 nói riêng là sự tích lũy kinh nghiệm công tác y tế dự phòng từ nhiều năm trước. Họ chính là những chiến sỹ thầm lặng ở tuyến đầu chống dịch, là người “gác cổng” để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác lây lan ra cộng đồng.
 
                                                                                                          Nhật Văn
 

tin liên quan

Tròn 6 ngày không có ca mới mắc COVID-19, dự kiến hôm nay có 6 ca công bố khỏi bệnh
Tròn 6 ngày không có ca mới mắc COVID-19, dự kiến hôm nay có 6 ca công bố khỏi bệnh

Tính đến 6 giờ sáng 22-4, số người mắc COVID-19 ở Việt Nam vẫn là 268 ca, không tăng thêm ca nào trong 6 ngày liên tiếp. Trong đó, Hà Nội có 8 ngày liên tiếp, TP Hồ Chí Minh 19 ngày. 

Thêm 6 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Thêm 6 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Việt Nam có tổng cộng 222 trường hợp được công bố khỏi bệnh trong tổng số 268 trường hợp mắc COVID-19, nâng tỷ lệ khỏi bệnh chiếm 83%.

Ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
Ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Tính đến 6h00 ngày 21-4, Việt Nam bước sang ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, tổng số ca nhiễm vẫn dừng ở 268 trường hợp, chưa có ca tử vong.