"So sánh cúm mùa và Covid-19, liệu chúng ta có phải trả giá?"

  • 09:03, 18/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh hiện nay giữa cơn đại dịch và có quá nhiều luồng thông tin so sánh Covid-19 không nguy hiểm như cúm mùa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Tiến sỹ (TS) Trần Thị Thanh Thỏa, một người con quê hương Văn Hóa (Tuyên Hóa) hiện là giáo sư nghiên cứu của đại học Cao Ly (Hàn Quốc).
 
Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thỏa.
Tiến sỹ Trần Thị Thanh Thỏa.
Theo TS. Thỏa, vi rút Corona là một chủng hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn bùng phát trên toàn thế giới nên có thể nói các thông số về những ca nhiễm, tỷ lệ tử vong vẫn chưa phải là con số cuối cùng. Chính vì vậy, chúng ta chưa thể phân chia khoảng thời gian hoạt động theo mùa/tuần/tháng/hàng năm cho Corona để đem so với tỷ lệ hàng năm của vi rút này với vi rút cúm mùa. Nếu chúng ta dùng phép so sánh cúm mùa hàng năm với một dịch bệnh chưa đầy ba tháng để đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch lần này sẽ dẫn đến sự sai lệch trong cách nhìn nhận, đồng nghĩa với việc thiếu chuẩn bị cho hoạt động phòng, chống dịch.
 
Xét về lây nhiễm cá thể thì độc lực của vi rút này không đáng để chúng ta quá hoang mang vì 80% là ở thể nhẹ, các ca gây chết thường già yếu, có sẵn các bệnh nền về hô hấp, tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, khi nó bùng lan thành dịch thì việc kiểm soát vô cùng khó khăn, các tỷ lệ chết hay mắc nhiễm sẽ vượt quá con số chúng ta dự đoán. Chưa kể con số nhiễm, tử vong hiện nay là con số có được nhờ các nước nỗ lực tối đa mới ngăn lại, còn cúm mùa thì chúng ta không có sự quyết liệt này nên sự so sánh này cũng thiếu chính xác.
 
Hiện nay, sự bùng dịch và mất kiểm soát tại nước Ý đang là một ví dụ. Vì vậy, chúng ta không nên so sánh các con số mà tập trung vào đặc tính của vi rút để “đối phó” với chúng. Đặc biệt nâng cao ý thức bảo vệ cộng đồng xung quanh mà không chỉ bản thân mình.
 
Một lí do khác mà chúng ta không nên so sánh với vi rút cúm mùa vì giai đoạn xuất hiện và thích nghi của hai loại vi rút này đã hoàn toàn khác nhau tại thời điểm này. Corona là một chủng mới, cũng như các loại sinh vật khác và đặc biệt với sinh vật biến đổi cực nhanh như vi rút, bản thân nó cũng cần thời gian trải qua chọn lọc tự nhiên và xã hội để thích nghi. Corona đang ở giai đoạn mới xuất hiện, thời gian ủ bệnh ngắn, biến đổi nhanh, nó sẽ lây lan và sinh trưởng nhanh nên sẽ rất “hung hăng” với vật chủ.
 
Sau đó “bắt tay” với vật chủ bằng cách biến đổi gene rồi “hợp tác” để có thể tồn tại lâu hơn. Trong trường hợp không thể thích nghi trên cơ thể vật chủ nó sẽ sống chung với chúng ta, nếu không thì vi rút sẽ bị tuyệt chủng. Vi rút Corona chủng mới lần này vẫn đang giai đoạn “hung hăng” và chưa có vắc xin để kiểm soát nó, do vậy việc bùng dịch là có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta không kiểm soát tốt. Trong khi đó, cúm là dạng vi rút đã có thời gian tồn tại lâu dài và đã có vắc xin phòng ngừa, việc bùng phát dữ dội như chủng vi rút mới là thấp hơn. Hiển nhiên, chúng ta cũng cần để tâm đến cúm mùa nhưng việc coi nhẹ hay ý định đối xử với nó như bệnh cúm mùa hàng năm là điều tai hại.
Tiếp nhận người về từ vùng dịch vào khu cách ly tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 996, Bộ CHQS tỉnh.
Tiếp nhận người về từ vùng dịch vào khu cách ly tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 996, Bộ CHQS tỉnh.
Qua những nghiên cứu ban đầu, cách thức lây nhiễm vi rút mới này nguy hiểm, bởi tốc độ lây lan nhanh và cách thức lây “âm thầm” ngay cả giai đoạn ủ bệnh. Đặc biệt,những hiểu biết của chúng ta về con vi rút vẫn còn hạn chế. Sự phán đoán hiện giờ về hậu họa lâu dài nó để lại còn là quá sớm. Một vài nghiên cứu ban đầu cho rằng vi rút Corona chủng mới này xuất hiện từ dơi, qua vật chủ trung gian là con tê tê, cuối cùng là lây từ người sang người. Qua đó có thể thấy chủng mới này rất linh động về cấu trúc để lây nhiễm cho nhiều đối tượng. Nhưng sự thật thì chúng ta vẫn chưa thể kết luận rằng đó đúng hay không là vi rút SARS-1 khu trú đâu đó trong quần thể và biến đổi thành.
 
Mặc dù, xét về cấu trúc gene, nó không sai khác nhiều với vi rút SARS-1, nhưng chỉ cần vài biến đổi gene đã có thể có nhiều đặc tính khác biệt, ít nhất có thể thấy lúc này là việc nó lây khi ủ bệnh và chưa kể đã có nhiều trường hợp tái nhiễm trong một thời gian rất ngắn ngay sau khi khỏi bệnh, điều ít thấy với các vi rút trước đây.
 
Chúng ta không dám chắc bệnh nhân sau khi chữa lành thì vi rút vẫn khu trú đâu đó với nồng độ thấp mà chúng ta không xác định được và quay lại tấn công, như loại vi rút gây bệnh giời leo. Chưa kể có thể rằng nếu để COVID-19 lan rộng trong cộng đồng và không tuyệt chủng thì nguy cơ sau này có thể xuất hiện những đời SARSx-n và càng về sau càng “thông minh” hơn, những tác hại về sức khỏe cá nhân, cộng đồng và kinh tế xã hội lại có thể nặng nề hơn.
 
Với những nhận định đó, TS. Thỏa cho rằng chúng ta vẫn nên chủ động phòng tránh, thông qua việc nâng cao sức khỏe bản thân, rửa sạch tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tránh đến nơi đông người cũng như chủ động khai báo, kiểm tra nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Chúc các bạn qua mùa dịch an toàn.
 
"Với kinh nghiệm giảng dạy hóa sinh-tiến hóa, cùng với nền tảng kiến thức cơ bản về vi rút học, di truyền, TS. Thỏa cho rằng “Chúng ta không nên hoang mang, cũng đừng chủ quan về dịch bệnh, mà nên có ý thức bảo vệ cộng đồng, tránh lây lan để làm bùng dịch". 
 
Ngọc Mai ( thực hiện )
 

tin liên quan

Việt Nam liên tiếp ghi nhận 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Việt Nam liên tiếp ghi nhận 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Việt Nam vừa ghi nhận liên tiếp 5 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca ở Hà Nội và 3 ca ở TP Hồ Chí Minh.
 
Đại dịch diễn biến nhanh, phải tăng tốc độ ứng phó
Đại dịch diễn biến nhanh, phải tăng tốc độ ứng phó

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia trong nước và thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, do đó chúng ta phải tăng cường tốc độ ứng phó.

Bộ Y tế công bố trường hợp thứ 68 mắc bệnh COVID-19
Bộ Y tế công bố trường hợp thứ 68 mắc bệnh COVID-19

Trường hợp thứ 68 là bệnh nhân nam, 41 tuổi, quốc tịch Mỹ, lấy vợ người Việt Nam và có địa chỉ tại thành phố Đà Nẵng.