Sau cánh cửa phòng tư vấn

  • 08:04, 27/04/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một ngày của cán bộ làm công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện trôi qua với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ cảm giác hồi hộp, lo lắng, bồn chồn rồi vỡ òa niềm vui khi chứng kiến niềm hạnh phúc của khách hàng nhận kết quả xét nghiệm HIV âm tính… Và cũng không ít lần rơi nước mắt trước những cảnh đời, số phận phải sống chung với HIV… Chị Nguyễn Lan Hường, cán bộ làm công tác tư vấn xét nghiệm HIV của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh trải lòng với chúng tôi về công việc của mình như thế.
 
Thiếu kiến thức về HIV
 
Phòng tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh hàng ngày đón rất nhiều khách hàng ở các độ tuổi, thành phần khác nhau đến để được cán bộ y tế tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV. Đa số khách hàng của trung tâm là lao động tự do và có liên quan đến tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm. Một số trường hợp là cán bộ viên chức nhà nước, là vợ hoặc chồng, người thân của người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.
 
Chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, chị Lan Hường cho biết: Khoảng 5-7 năm về trước, phần lớn số người đến xét nghiệm HIV/AIDS đều thiếu kiến thức cơ bản về căn bệnh này. Họ không biết các giai đoạn “cửa sổ” mà cứ nghĩ đây là bệnh truyền nhiễm dễ lây nên rất lo lắng khi có tiếp xúc với người nhiễm HIV.
 
Có trường hợp vì lỡ hôn một cô gái mà lo sợ mình bị nhiễm HIV khi biết tin cô này từng là gái bán dâm. Không ít người đến với phòng tư vấn trong tình trạng băn khoăn, lo lắng vì vô tình uống chung cốc nước hay ăn cùng mâm với người nhiễm HIV.
 
Trong thực tế, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS đã và đang là rào cản làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nguyên nhân cơ bản của sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV và cả người bị liên quan hoặc ảnh hưởng bởi HIV/AIDS xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về HIV, không ít người còn coi HIV là tệ nạn xã hội. Câu chuyện của chị C. ở huyện Lệ Thủy là một ví dụ.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV để sớm nhận biết tình trạng bản thân nhằm có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV để sớm nhận biết tình trạng bản thân nhằm có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Chị C. là người phụ nữ thật thà, chịu thương, chịu khó, đang có cuộc sống bình yên, được bà con, láng giềng yêu mến, bỗng dưng bị cô lập khi mọi người phát hiện ra chồng chị bị AIDS. Căn nhà của chị trở trên trống trải bởi rất ít người qua lại, con trai đi học cũng bị bạn bè xa lánh, bản thân chị không kiếm được việc làm...

Những người thân thiết với gia đình chị nhất cũng trở nên xa lạ vì họ lo sợ chị và người thân trong gia đình chị sẽ lây bệnh cho họ. Cuộc sống của chị vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn khi không được sự cảm thông, chia sẻ của bà con lối xóm. Mặc dù con trai của chị rất ngoan ngoãn, không bị lây nhiễm HIV và bản thân chị chưa từng dính đến các tệ nạn xã hội nhưng mọi người vẫn không muốn tiếp cận, sẻ chia…

Hoàn cảnh của chị C. cũng là nỗi đau của rất nhiều người khác khi phải sống chung với HIV/AIDS. Rất nhiều người nhiễm bệnh mà không hề liên quan đến tệ nạn xã hội, họ có thể bị lây nhiễm từ chồng (vợ), từ mẹ truyền sang con... Song, điểm giống nhau giữa họ là sống trong lo lắng vì sợ mọi người phát hiện tình trạng bản thân, sợ bị xoi mói, dị nghị...

Thực tế đó làm cho nhiều người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tự ti, mặc cảm, sống khép kín, thậm chí có trường hợp khi phát hiện bị nhiễm HIV đã tự vẫn vì không đủ nghị lực để vượt qua nhiều trở ngại dù tuổi đời còn rất trẻ.

Chị Hường cho biết thêm: Hiện nay, nhờ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua sách báo, tạp chí, qua các hoạt động tư vấn tại cộng đồng của các đơn vị y tế nên người dân đã nắm rõ hơn những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, như: các đường lây truyền, biện pháp phòng, chống, phương pháp điều trị.

Vì vậy, phần lớn khách hàng khi đến với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đã chuẩn bị tâm lý khá tốt nên sau khi cầm kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV họ vẫn bình tĩnh nghe cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, luyện tập, điều trị phù hợp để bảo vệ sức khỏe.

Những câu chuyện buồn

Là người có nhiều năm gắn bó với công việc, chị Lan Hường cho hay: Khóc cười cùng với những “khách hàng đặc biệt” là chuyện thường ngày của cán bộ y tế làm công tác tư vấn, xét nghiệm HIV/AIDS.

Mỗi lần chứng kiến sự lo lắng của các đối tượng khi chia sẻ với cán bộ tư vấn nỗi niềm riêng của mình và cả những phút giây thấp thỏm chờ kết quả xét nghiệm, cán bộ y tế cũng hồi hộp không kém. Họ chỉ thực sự hạnh phúc khi khách hàng nhận kết quả tốt và không ít lần họ bật khóc trước nỗi đau mà khách hàng đang phải đối diện-nỗi đau mang tên HIV.

Điều đáng buồn là số người phát hiện nhiễm mới HIV ngày càng trẻ và chủ yếu là lây truyền qua đường tình dục. Nhiều bạn trẻ thế hệ “9X” tâm sự rằng họ bị nhiễm bệnh là do “sống thử” không an toàn.

Một số trường hợp phát hiện nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số, người có quan hệ đồng giới. Ngoài những khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV do quan hệ tình dục bừa bãi hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy có không ít người mắc bệnh do không tìm hiểu kỹ đối tượng trước khi có quan hệ tình dục.

Trong suốt những năm làm việc tại trung tâm, chị Lan Hường cùng nhiều cán bộ y tế nơi đây nhớ mãi hình ảnh những người phụ nữ với đôi mắt đẫm lệ khi biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng, từ người yêu. Gặp các trường hợp như thế, cán bộ y tế phải tận tình tư vấn, hỗ trợ về mặt tinh thần nhằm động viên họ vượt qua nỗi đau, vận động họ tham gia tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc, điều trị.

Nhờ vậy mà không ít trường hợp khi phát hiện nhiễm HIV đang trong tình trạng mang thai được thực hiện các biện pháp dự phòng lây tryền HIV nên đã sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Nhiều đối tượng sau khi xét nghiệm tình trạng bệnh tật đã nghiêm trọng, cơ thể suy kiệt song được tiếp cận với thuốc kháng vi rút ARV đã nhanh chóng hồi phục sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

“Sau cánh cửa phòng tư vấn là niềm hạnh phúc của người này nhưng cũng là nỗi đau, sự tuyệt vọng của người khác. Và chúng tôi, những người có trách nhiệm “lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ” để thực sự là chỗ dựa tinh thần cho những cảnh đời không may mắn vì phải sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS”-chị Lan Hường tâm sự.

M.H

 

tin liên quan

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Quảng Hải
Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Quảng Hải

(QBĐT) - Vừa qua, Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn phối hợp với Trạm Y tế xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi và người thuộc gia đình chính sách trên địa bàn xã.

Hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng
Hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh lao trong cộng đồng

(QBĐT) - Để hạn chế tác hại của bệnh lao và số người mắc lao trong cộng đồng, thời gian qua, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã tăng cường các hoạt động nhằm quản lý, chăm sóc và điều trị hiệu quả cho các trường hợp mắc bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

[Infographics] Tiêm chủng vắcxin để chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm
[Infographics] Tiêm chủng vắcxin để chủ động chống lại các bệnh truyền nhiễm

Tiêm chủng là việc sử dụng vắcxin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động, đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm.