Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên: Vấn đề cần quan tâm

  • 02:12, 26/12/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày nay, hầu hết mọi người đã hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe sinh sản và dành nhiều quan tâm cho vấn đề này, nhất là sức khỏe sinh sản của lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
 
Vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) là nhóm dân số đặc thù, được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, VTN/TN tuổi từ 14-25 là nhóm dân cư đông nhất, chiếm gần một phần tư dân số cả nước (khoảng trên 20 triệu người, theo Tổng cục Thống kê, điều tra dân số và nhà ở năm 2009). Đây chính là lực lượng lao động tương lai của đất nước. Vì vậy làm thế nào để bảo đảm sự phát triển hài hòa, toàn diện cho nhóm dân số này, ngoài việc cung cấp một nền giáo dục có chất lượng, định hướng nghề nghiệp phù hợp, kỹ năng sống vững vàng thì việc trang bị cho các em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) là hết sức cần thiết.
 
Trên thực tế, mặc dù việc giáo dục, tuyên truyền về SKSS/SKTD đã có sự cải thiện đáng kể so với trước đây nhưng vẫn chưa đem lại sự thay đổi mang tính đột phá, nhất là đối với đối tượng VTN/TN. Sự hiểu biết về SKSS/SKTD ở lứa tuổi của các em vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và mức độ hiểu biết còn chênh lệch giữa các vùng, miền. Trong khi các bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con em mình về SKSS thì tại các chương trình học phổ thông, giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS/SKTD VTN/TN hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ lồng ghép ở các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Việc các em VTN/TN tự tìm hiểu về chăm sóc SKSS/SKTD lứa tuổi mình cũng tạo nên tính hai mặt của vấn đề. Bên cạnh việc các em có thể tự tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về vấn đề này thì đây cũng là nguy cơ làm cho các em hiểu sai vấn đề từ những trang mạng không chính thống. Chưa kể đến một số em còn mang tâm lý e ngại, cho rằng vấn đề chăm sóc SKSS/SKTD là chưa thực sự cần thiết và có ý nghĩa đối với bản thân.
 
Theo thống kê của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thì mỗi năm, nước ta có khoảng 300.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 và con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo các chuyên gia dân số lý giải đây là một phần kết quả của tình trạng tảo hôn và quan hệ tình dục trước hôn nhân; các dịch vụ chăm sóc SKSS còn chưa được phổ biến rộng rãi; giới trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính trong khi quan niệm tình dục trước hôn nhân ở giới trẻ thay đổi và ngày càng cởi mở hơn. Hơn thế nữa, các em gái khi mang thai do xấu hổ nên giấu không cho gia đình và mọi người biết mà thường tìm đến các cơ sở y tế kém chất lượng, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng có thể gây vô sinh, thậm chí tử vong và nhất là những sang chấn tâm lý nặng nề sẽ đeo đẳng theo các em gái suốt cuộc đời.
 
Quảng Bình có khoảng 28% dân số là VTN/TN. Đây là một lực lượng hùng hậu góp phần tạo nên những đổi thay to lớn trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội... của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta đang phải đối mặt với một số vấn đề về SKSS/SKTD của đối tượng này, như: khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS/SKTD còn rất hạn chế; nhiều địa phương trong tỉnh thiếu hệ thống thông tin, tư vấn và dịch vụ SKSS, VTN/TN thường tự tìm hiểu qua bạn bè nên thông tin không đầy đủ, chính xác…
 
Theo kết quả điều tra, đánh giá ban đầu của Viện nghiên cứu Y-Xã hội học phối hợp với UNFPA tiến hành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2013-2014, vấn đề liên quan đến SKSS/SKTD và tình dục an toàn của VTN/TN chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều khó khăn, có tới 46,4% VTN/TN trong toàn tỉnh chưa được đáp ứng nhu cầu về vấn đề này. Với sự hỗ trợ của UNFPA, tỉnh ta đã triển khai chuỗi hoạt động nhằm tăng cường khả năng tiếp cận toàn diện tới SKSS/SKTD cho VTN/TN. Tuy nhiên, thời gian triển khai không nhiều nên chưa thực sự tạo nên sự chuyển biến rõ nét, còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động và các kết quả đạt được. Bên cạnh đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cũng đã triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân từ năm 2010 với nhiều hoạt động đa dạng hướng tới các em VTN/TN. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp, mô hình này mới chỉ thực hiện tại 35 xã, phường, thị trấn và trường học...
 
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 16-1-2018 về việc thực hiện Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ cho VTN/TN giai đoạn 2016-2020, với các hoạt động chủ yếu được tập trung triển khai, như: truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi; xây dựng và thử nghiệm các mô hình chuyên biệt phù hợp, trong đó có mô hình truyền thông, cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ cho thanh niên tại khu công nghiệp, mô hình truyền thông về dân số-KHHGĐ cho VTN/TN trong nhà trường; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ dân số-KHHGĐ thân thiện với VTN/TN; các hoạt động hội nghị, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về dân số-KHHGĐ cho VTN/TN; quản lý, giám sát... nhằm bảo đảm được 50% VTN/TN hiểu biết cơ bản về một số vấn đề dân số-KHHGĐ, 70% người cung cấp dịch vụ được trang bị kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ thân thiện với VTN/TN, giảm nhu cầu chưa được đáp ứng về SKSS/KHHGĐ của VTN/TN từ 46,4% xuống còn 30% vào năm 2020, 50% cha mẹ có con tuổi VTN/TN ủng hộ, đồng tình cho con tiếp cận, tìm hiểu thông tin, kiến thức và thụ hưởng dịch vụ dân số-KHHGĐ...
 
Đây là kế hoạch có tầm quan trọng và phù hợp với tình hình thực tế đối với công tác dân số-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD của VTN/TN trên địa bàn tỉnh.
 
Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay với chủ đề “chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN/TN vì tương lai giống nòi” một lần nữa cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề này, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của VTN/TN nói riêng và toàn xã hội nói chung. Ngoài việc thúc đẩy tính hiệu quả, tạo ra nhiều sân chơi, mô hình phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện của các hoạt động chăm sóc SKSS VTN/TN, cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giúp VTN/TN, các bậc phụ huynh và cộng đồng hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị đích thực của chăm sóc SKSS/SKTD VTN/TN trong quá trình phát triển và trưởng thành của các em.
                                                       
Lê Thanh Tuân
PGĐ Sở Y tế, phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

tin liên quan

Tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ chênh lệch giới tính đang có chiều hướng gia tăng
Tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ chênh lệch giới tính đang có chiều hướng gia tăng

(QBĐT) - Sáng 26-12, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ dân số - KHHGĐ năm 2019 và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12).

Lần đầu tiên bác sỹ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép hai phổi
Lần đầu tiên bác sỹ Việt Nam thực hiện thành công ca ghép hai phổi
Từ tạng của một người trên 40 tuổi bị chết não, các bác sỹ đã thực hiện lấy và ghép tạng cứu sống 5 bệnh nhân đang nguy kịch khác. 
 
Đông lạnh, người già nên 'phòng thủ' thế nào?
Đông lạnh, người già nên 'phòng thủ' thế nào?
Đa số người già có sẵn bệnh nền, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị viêm, nhiễm. Để phòng bệnh, người già nên giữ đủ ấm, ăn đủ chất, tập vừa sức và tiêm phòng các bệnh cơ bản.