(QBĐT) - Việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt (IPV) trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm vắc xin Combe Five (DPT-VGB-Hib) thay thế cho vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) theo chương trình của Bộ Y tế đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng.
Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
PV: Được biết, từ tháng 8-2018, Việt Nam triển khai việc đưa vắc xin phòng chống bệnh bại liệt vào chương trình TCMR. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về vấn đề này và ngành Y tế mà vai trò hạt nhân là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chuẩn bị những gì để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nói trên?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã và đang góp phần thanh toán và loại trừ nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Đây cũng là chương trình y tế quốc gia thành công nhất, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao.
Tại tỉnh ta, chương trình TCMR được ngành Y tế chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện tại, toàn ngành đang tập trung thực hiện các nội dung của Công văn số 1172/VSDTTƯ-TCQG ngày 17-8-2018 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Kế hoạch số 1534/KH-UBND ngày 14-9-2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc triển khai tiêm vắc xin bại liệt (IPV) trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018. Ngoài ra, tỉnh ta cũng đang chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Combe Five (DPT-VGB-Hib) thay thế cho vắc xin Quinvaxem theo chương trình của Bộ Y tế và tiêm chủng quốc gia.
Nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi, đồng thời duy trì, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, năm 2018, tỉnh ta đề ta mục tiêu là trên 90% trẻ em đủ 5 tháng tuổi (trẻ có ngày sinh từ 1-3-2018 trở đi) được tiêm 1 liều vắc xin bại liệt IPV.
Vi rút bại liệt rất dễ lây qua đường tiêu hóa. Với người không có miễn dịch phòng bệnh, vi rút này có thể từ đường ruột xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Trước đây, chúng ta đã sử dụng vắc xin phòng chống bại liệt ở dạng uống (bOPV). Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, các quốc gia đang sử dụng vắc xin bại liệt dạng uống (bOPV), cần sử dụng thêm 1 liều vắc xin bại liệt dạng tiêm (IPV) cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên.
![]() |
IPV là vắc xin bất hoạt, chứa các týp vi rút bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng tiêm. Khi tiêm 1 mũi vắc xin IPV có chứa cả 3 týp kháng nguyên bại liệt (týp 1, 2 và 3) giúp tăng cường miễn dịch đối với týp 1 và týp 3; đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho trẻ sử dụng đủ 3 liều bOPV.
Vắc xin IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vắc xin của hãng Sanofi (Pháp) sản xuất do tổ chức Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Vắc xin này đã được đăng ký lưu hành sử dụng tại Pháp từ năm 1982 và được sử dụng tại 111 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trên 540 triệu liều. Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép lưu hành vắc xin bại liệt dạng tiêm (IPV) từ năm 2015.
Theo kế hoạch của Chương trình TCMR Quốc gia, vắc xin IPV đã được triển khai trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh từ tháng 6-2018 gồm: Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Gia Lai, Vĩnh Long và từ tháng 8-2018 sẽ được sử dụng trên phạm vi cả nước.
Để triển khai tốt hoạt động này, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ tiến hành tập huấn về công tác tiêm vắc xin bại liệt cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố (dự kiến từ từ ngày 25-9 đến ngày 5-10-2018). Sau đó, sẽ tiến hành tiêm cho trẻ tại 159/159 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, dự kiến có 7.000 trẻ được tiêm vắc xin IPV. Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc triển khai đã được hoàn tất. Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như thuốc, dụng cụ tiêm chủng và nguồn nhân lực nhằm thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch số 1534/KH-UBND của UBND tỉnh.
PV: Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc xin phòng chống bệnh bại liệt cho trẻ nhỏ, tỉnh ta còn triển khai tiêm vắc xin Combe Five (DPT-VGB-Hib) thay thế cho vắc xin Quinvaxem. Tại sao lại có sự thay đổi đó, thưa bác sĩ?
- Bs Đỗ Quốc Tiệp: Combe Five (DPT-VGB-Hib), hay Quinvaxem đều là những vắc xin phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Hiện tại, Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vắc xin 5 trong 1 (Quinvaxem) nên Bộ Y tế đã quyết định sử dụng vắc xin ComBE Five của Ấn Độ để thay thế.
Trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc, vắc xin ComBE Five đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp (6-2018). Theo kế hoạch của Ban điều hành dự án TCMR Quốc gia tại Công văn số 1358/VSDTTƯ-TCQG ngày 19-9-2018, vắc xin Combe Five dự kiến sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 10-2018.
PV: Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến tính an toàn của các loại vắc xin nói chung, vắc xin IPV và ComBE Five nói riêng. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về điều này?
- Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp: Có thể khẳng định rằng vắc xin ComBE Five do công ty Biological E (Ấn Độ) sản xuất và vắc xin IPV hãng Sanofi do Pháp sản xuất đạt cả tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia. Đây là 2 loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm định rất nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn thẩm định. Tại Việt Nam, qua quá trình nghiên cứu sử dụng, hai loại vắc xin này được đánh giá an toàn và đã được Bộ Y tế nghiệm thu, cấp giấy phép lưu hành rộng rãi.
Tuy nhiên, cũng giống như các vắc xin khác, sau khi tiêm 2 loại vắc xin này, trẻ nhỏ có thể gặp phải một số phản ứng phụ không mong muốn. Có thể xảy ra các phản sau tiêm chủ yếu là sốt và một số phản ứng khác như: sưng, đau, đỏ tại vị trí tiêm (khá phổ biến), trẻ quấy khóc sau khi tiêm, một số trẻ có thể biếng ăn, kém bú… Đó chỉ là những phản ứng thông thường và sẽ mất đi sau khoảng 24-48 giờ.
Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo sau khi tiêm chủng cho trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên để trẻ nghỉ ngơi tại cơ sở y tế ít nhất là 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi sức khỏe. Nếu trẻ có những dấu hiệt bất thường sau tiêm như nôn, trớ, tại vết tiêm xuất hiện quầng đỏ lan rộng, nổi ban, sốt cao dài ngày… các bậc phụ huynh cần thông báo ngay với cán bộ y tế để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định sức khỏe cho trẻ.
Tiêm phòng cho trẻ là hình thức đưa vắc xin vào cơ thể, giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh đó. Mục đích của việc tiêm phòng vắc xin là để bảo vệ sức khỏe của trẻ, giúp trẻ chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm. Vì thế, các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh nhằm tạo cho trẻ nền tảng tốt trong bảo vệ sức khỏe.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ.
Mỹ Huệ (thực hiện)