(QBĐT) - Xác định tầm quan trọng của cây thuốc nam, trong những năm qua, Hội Đông y huyện Lệ Thủy đã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển cây thuốc nam trên địa bàn, từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác chữa bệnh cho người dân.
Hơn 6 năm nay, cơ sở sản xuất thuốc gia truyền Lệ Giang Đường của lương y Hoàng Đại Khoa đã trở thành địa chỉ thuốc nam tin cậy của nhiều người dân Lệ Thủy. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của ông cho ra thị trường hơn 200 nghìn chai và gói thuốc nam chữa các loại bệnh, như: xương khớp, chấn thương, sâu răng, dạ dày…
Theo lương y Hoàng Đại Khoa, nguồn dược liệu mà ông sử dụng thường được thu mua tại nhà dân và các vùng lèn núi trên địa bàn huyện Lệ Thủy, qua đó, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn khuyến khích bà con trồng cây thuốc nam.
Cùng với việc quan tâm, tạo điều kiện cho các hội viên mở các cơ sở sản xuất thuốc nam trên địa bàn, trong những năm qua, với phương châm hoạt động “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, điều trị tại nhà”, các cấp hội Đông y trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã tích cực sưu tầm, khai thác và sử dụng dược liệu sạch; phát huy hiệu quả hoạt động chẩn trị, không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nêu cao y đức, hết lòng phục vụ bệnh nhân. Với phác đồ điều trị đa dạng, như: dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt, giác hơi..., phần lớn các ca điều trị bằng phác đồ đông y đều đạt kết quả cao.
![]() |
Hiện, hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng phác đồ đông y đã tạo thành mạng lưới rộng khắp từ cơ sở hội đến các phòng khám tư nhân, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.Theo số liệu thống kê của Hội Đông y huyện, hiện nay, Lệ Thủy có hơn 30 cơ sở, phòng khám hoạt động về y học cổ truyền. Hàng năm, có khoảng 16.500 lượt người đến khám tại các cơ sở, phòng khám đông y; số bệnh nhân điều trị không dùng thuốc hơn 48 nghìn người; số bệnh nhân châm cứu gần 20 nghìn người.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho nhân dân theo hướng phát triển lâu dài, Hội Đông y huyện đưa ra chủ trương trồng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn.
Huyện hội thường xuyên tổ chức cho hội viên đi sưu tầm cây thuốc nam ở các khu vực rừng núi trong và ngoài huyện đem về nhân giống và trồng tại các vườn thuốc; động viên các lương y cao tuổi đóng góp những cây thuốc quý tại vườn nhà, những bài thuốc gia truyền hay và giúp đỡ hội viên trẻ nhận biết các loại cây thuốc khác nhau. Hội tích cực tuyên truyền, vận động các trạm y tế xã, thị trấn và nhân dân trồng cây thuốc nam, đặc biệt các hội viên đều có vườn thuốc mẫu gia đình.
Ngoài ra, hội phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam để chữa các bệnh tại nhà. Đến nay, toàn huyện có 28/28 trạm y tế xã, thị trấn có vườn thuốc nam mẫu, hơn 14.000 hộ có vườn thuốc nam tại nhà.
Theo lương y Vũ Xuân Định, Chủ tịch Hội Đông y huyện Lệ Thủy, với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội Đông y huyện Lệ Thủy tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể, nhằm phát triển hơn nữa cây thuốc nam trên địa bàn, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động xây dựng vườn thuốc nam trong trường học, bởi với khả năng tiếp thu nhanh, các em học sinh sẽ trở thành đội ngũ tuyên truyền viên về cây thuốc nam trên địa bàn; tăng cường giúp đỡ các lương y mở các cơ sở sản xuất thuốc nam nhằm đẩy mạnh việc sử dụng cây thuốc nam trong khám chữa bệnh…
Vân Anh – Tấn Hiếu
(Đài TT – TH Lệ Thủy)