Quốc tế
icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Các phe phái Libya tiến hành vòng đàm phán mới tại Maroc

  • 03:12, 01/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thành viên Quốc hội Libya cho biết cuộc đàm phán tại Tangier, miền Bắc Maroc, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chẳng hạn việc bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí chủ chốt.
 Các phe đối địch chính tại Libya tham gia cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 20-10-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các phe đối địch chính tại Libya tham gia cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 20-10-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 30-11, các phe phái đối địch ở Libya đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Maroc trong nỗ lực chấm dứt một thập kỷ xung đột.
 
Vòng đàm phán diễn ra trong hai ngày tại thành phố cảng Tangier, miền Bắc Maroc, với sự tham gia của Quốc hội Libya (HoR) và Hội đồng Nhà nước Tối cao Libya - mỗi bên có 13 đại diện.
 
Ông Mohammed Raied - thành viên của HoR, có trụ sở tại thành phố Misrata, miền Tây Libya, cho biết cuộc đàm phán tại Tangier nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chẳng hạn việc bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí chủ chốt.
 
Libya rơi vào tình trạng rối ren kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011 và quốc hội chưa nhóm họp lần nào trong hai năm qua.
 
Hiện ở Libya tồn tại hai chính quyền đối địch gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được sự hậu thuẫn của lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar và sự ủng hộ của một số nghị sỹ trong quốc hội được bầu. Quốc hội Libya trong tình trạng chia rẽ sâu sắc, theo đó các phiên họp diễn ra song song ở miền Đông và miền Tây.
 
Ngày 23-10 vừa qua, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của Liên hợp quốc.
 
Cùng với lệnh ngừng bắn kể trên, tình hình tại Libya thời gian qua ghi nhận nhiều tiến triển tích cực như việc chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông nội địa hay việc các đại diện phe phái tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị trong nước.
 
Tuần trước, cũng tại Tangier, hơn 120 nghị sỹ Libya đã cam kết chấm dứt những chia rẽ ở quốc gia Bắc Phi này, khởi đầu bằng quyết định triệu tập họp quốc hội được bầu ngay sau khi trở về nước.
 
Trước đó, giữa tháng 11 vừa qua, tại diễn đàn đối thoại chính trị Libya do Liên hợp quốc bảo trợ tổ chức ở Tunisia, các bên tham gia đã nhất trí tổ chức bầu cử vào ngày 24-12-2021./.
 
Theo Quang Trường (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Tham vấn Chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 7
Tham vấn Chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 7

Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm Lào từ ngày 29 và 30-11 và đồng chủ trì Tham vấn Chính trị thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 7.

Iran tăng cường bảo vệ các nhà khoa học sau vụ chuyên gia hạt nhân hàng đầu bị ám sát
Iran tăng cường bảo vệ các nhà khoa học sau vụ chuyên gia hạt nhân hàng đầu bị ám sát

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 29-11 đã ban hành sắc lệnh về các biện pháp an ninh cần thiết để ngăn chặn những vụ tấn công nhằm vào các nhà khoa học của nước Cộng hòa Hồi giáo, sau vụ nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng gần thủ đô Tehran.

Campuchia phát hiện thêm 8 ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng
Campuchia phát hiện thêm 8 ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 30-11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 trong vụ lây nhiễm cộng đồng hôm 28-11 vừa qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Campuchia lên 323 ca.