Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 2: Làng ven sông… vẫn khát!
07:06, 19/06/2025
(QBĐT) - Nằm ven sông Gianh, các xã Châu Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa (Tuyên Hóa) thường xuyên đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Những năm hạn hán kéo dài, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trở thành thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. Năm 2025, dù thời tiết chưa quá khắc nghiệt, nhưng khu vực này vẫn ghi nhận một đợt xâm nhập mặn sớm vào tháng 4, cho thấy tính chất ngày càng phức tạp và khó lường của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hóa Phan Thanh Hữu lo ngại: “Nhiều diện tích lúa hè-thu bị bỏ hoang không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn gây nhiều khó khăn cho vụ đông-xuân. Giải được “bài toán” nước cho sản xuất sẽ mang lại lợi ích kép cho bà con”.
Với 140ha đất lúa, trên 250ha hoa màu, nguồn nước phục vụ sản xuất của Châu Hóa chủ yếu từ sông Gianh và một số khe tự chảy. Đối với diện tích đất trồng lúa, vụ hè-thu chỉ có khoảng 30ha được bảo đảm nước tưới nhờ khe tự chảy nhưng cũng “nhờ trời” vì không có đập dự trữ. Hệ thống máy bơm cũng hoạt động hết công suất để cấp nước cho bà con sản xuất vụ hè-thu nhưng đến thời điểm sông Gianh bị xâm nhập mặn cũng đành bó tay.
“Vụ hè-thu, bà con chỉ mong năng suất đạt khoảng ½ vụ đông-xuân đã là thắng lợi. Bởi nếu sản xuất vụ hè-thu vẫn được duy trì, việc cày ải, làm cỏ chuẩn bị cho vụ đông-xuân sẽ đơn giản hơn nhiều. Nếu đồng ruộng bị bỏ hoang, bà con sẽ phải bỏ công sức nhiều gấp đôi”, ông Hữu cho biết thêm.
Châu Hóa, làng ven sông Gianh… vẫn khát!
Trước thực trạng này, xã Châu Hóa đã nghiên cứu nhiều giải pháp để khắc phục thiệt hại do thiếu nước sản xuất, bảo đảm đời sống cho người nông dân. Xã cũng đã ra Hà Tĩnh để tham quan mô hình lúa cạn nhưng hiệu quả chưa cao, khó áp dụng cho địa phương. Chuyển một số diện tích đất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác là hướng đi đang được cân nhắc. Hiện có 2 hộ đang thử nghiệm trồng cây dừa xiêm với diện tích gần 2ha.
Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng là “bài toán” nan giải. Từ nguồn Khe Xai, Trạm cấp nước Tiến Hóa hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho hai xã Châu Hóa và Tiến Hóa. Vào thời gian cao điểm mùa hè, nước sinh hoạt được cấp nhỏ giọt hoặc luân phiên hai ngày một lần.
“Nằm cạnh sông Gianh nhưng thiếu nước ngọt có vẻ như là nghịch lý, nhưng điều này lại đang diễn ra. Nếu không có giải pháp căn cơ, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của địa phương”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hóa Phan Thanh Hữu chia sẻ.
Xã Đức Hóa tăng số lượng và công suất máy bơm để phục vụ sản xuất.
Là xã “láng giềng” của Châu Hóa, Đức Hóa cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Để giải quyết tình trạng này, hạn chế diện tích lúa hè-thu bị bỏ hoang, 5 trạm bơm cố định và 2 trạm bơm dã chiến được sử dụng hết công suất trong mùa hè, nhất là vào những thời điểm trời hạn hán. Điều này làm gia tăng chi phí sản xuất nhưng bà con và địa phương cũng phải cố gắng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, việc tăng cường các trạm bơm dã chiến chỉ là giải pháp tình thế và phụ thuộc nhiều vào tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn của sông Gianh. Đã có những thời điểm xâm nhập mặn lên đến trạm bơm Đồng Lâm, hệ thống máy bơm phải dừng hoạt động. Còn ông Nguyễn Văn Hiệu, thôn 4 Đức Phú cho biết, gia đình ông sản xuất 12 sào lúa. Vụ đông-xuân cơ bản thuận lợi, còn vụ hè-thu thì nhờ trời, có năm hạn hán mất khoảng 1/3 đến một nửa diện tích. Nước sinh hoạt thì đến thời điểm này nhiều giếng các gia đình xung quanh bắt đầu cạn.
Xâm nhập mặn không còn là chuyện riêng của mùa khô khốc liệt. Ngay trong năm 2025, khi thời tiết chưa quá khắc nghiệt, một đợt xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm ở vùng ven sông Gianh, đặt ra cảnh báo về những bất thường của biến đổi khí hậu. Khi những cánh đồng bị bỏ hoang, máy bơm hoạt động cầm chừng và nước sinh hoạt phải chia phiên, thì nhu cầu đầu tư giải pháp dài hạn, bền vững, với tầm nhìn liên vùng về thủy lợi, bảo vệ nguồn nước và thích ứng biến đổi khí hậu, là điều không thể chậm trễ.
Ngoài 2 thôn hiện được sử dụng nước máy, Đức Hóa vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khe suối tự nhiên. Một số nhóm hộ gia đình lọc nước sông Gianh để sử dụng. Nếu sông Gianh bị nhiễm mặn, sẽ ảnh hưởng lớn đến cả sản xuất và đời sống của bà con. Hiện địa phương mong muốn đầu tư công trình cấp nước cho 3 thôn tại khu vực Trầm, nơi thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt.
Văn Hóa, Tiến Hóa, Kim Hóa… cũng là những xã gặp nhiều khó khăn trong nước sản xuất và sinh hoạt. Nằm ven sông Gianh nhưng vẫn thiếu nước là nghịch lý mà nhiều địa phương tại Tuyên Hóa đang đối mặt.
Cùng với sự nỗ lực và những giải pháp tình thế của các địa phương, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Tuyên Hóa đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tiết kiệm nước tưới, giữ gìn vệ sinh môi trường để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Gianh. Bước đầu tình trạng xả nước thải, rác thải sinh hoạt trực tiếp ra sông từng bước được kiểm soát, góp phần bảo vệ sự trong lành, ngọt mát của dòng sông, nguồn nước quan trọng cho sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng hạ lưu.
(QBĐT) - Với dòng Gianh ngọt mát, Tuyên Hóa sở hữu nhiều tiềm năng thế mạnh. Thế nhưng, nơi này cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nếu không kịp thời có những giải pháp căn cơ, bền vững, thì dòng Gianh sẽ khó giữ được mạch nguồn xanh, đời sống và sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, thách thức.
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của quê hương và sự đi lên của ngành, các thế hệ làm báo nói, báo hình Quảng Bình lưu giữ biết bao kỷ niệm. Với tôi, ký ức về những ngày làm báo hình giữa mùa lũ kép năm 2010 mãi mãi là những dấu ấn sâu sắc, khó phai mờ.
(QBĐT) - Tư duy đầu tư kiểu "xin-cho", xin được "đồng nào, xào đồng nấy", còn nợ… tính sau và thói quen "trông chờ, ỷ lại" đã khiến nhiều công trình cấp bách, thiết yếu bị kéo dài thời gian đầu tư, dẫn đến lãng phí, xuống cấp. Đó cũng chính nguyên nhân phát sinh nợ đọng và nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương.