Làm gì để giữ mạch nguồn xanh?-Bài 1: Loay hoay "bài toán" nước sạch
07:06, 18/06/2025
(QBĐT) - Với những cánh rừng tự nhiên xanh ngút ngàn trải rộng, nhiều con sông nhỏ uốn lượn qua thung lũng, núi đồi rồi đổ về sông mẹ, dòng Gianh ngọt mát, Tuyên Hóa sở hữu nhiều tiềm năng thế mạnh. Xen giữa thiên nhiên trù phú là những làng quê thanh bình và nhiều địa danh lịch sử, danh thắng nổi tiếng, mở ra cơ hội về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch... Thế nhưng, nơi này cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, nếu không kịp thời có những giải pháp căn cơ, bền vững, thì dòng Gianh sẽ khó giữ được mạch nguồn xanh, đời sống và sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thị trấn Đồng Lê, trung tâm huyện lỵ Tuyên Hóa và các xã phụ cận đang trên đà phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Thế nhưng có một nghịch lý là dù nằm bên dòng Gianh ngọt mát, người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn do nước ngầm bị ô nhiễm xăng dầu và những bất cập trong quá trình cấp nước máy. Về lâu dài, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cũng đang bị đe dọa bởi tình trạng rừng đầu nguồn bị xâm hại, hạn hán và nguy cơ xâm nhập mặn đang hiện hữu.
Nước máy bất an, nước ngầm ô nhiễm
Con đường nhỏ dọc thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa mang dáng vẻ bình yên với những mái nhà nép nhìn ra sông Gianh thơ mộng. Đây cũng chính là điểm lấy nước thô cho Trạm cấp nước thị trấn Đồng Lê, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 800 hộ dân. Chỉ cho chúng tôi điểm lấy nước của trạm, ông Nguyễn Chí Thanh, thôn Thuận Tiến, không giấu được nỗi lo bởi khu dân cư ven sông chưa được đầu tư hệ thống thu gom nước thải, nên toàn bộ nước sinh hoạt đều xả trực tiếp xuống sông. “Vào mùa mưa còn có cả rác thải, bùn đất, đủ loại chất bẩn… đổ dồn xuống sông. Lấy nước chỗ ni, tui thấy khó có thể yên tâm được!”, ông Thanh nói.
Người dân thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa lo lắng về chất lượng nguồn nước máy.
Thực trạng này đã khiến cho trên 800 hộ dân sử dụng nước máy trong khu vực cảm thấy lo lắng. Mặc dù Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Bình khẳng định quy trình xử lý bảo đảm và đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp phép theo quy định nhưng nhiều hộ dân vẫn yêu cầu lấy mẫu nước độc lập để kiểm tra chất lượng. Một số ý kiến đề nghị di dời điểm lấy nước thô lên phía thượng nguồn, cách khoảng 3-5km, để tránh khu vực ô nhiễm, song giải pháp này đòi hỏi kinh phí lớn, hiện chưa thể triển khai, nhất là khi số hộ dùng nước máy còn ít và có xu hướng giảm dần. Thế nên, dù lo ngại chất lượng nguồn nước, người dân vẫn phải sử dụng vì không còn lựa chọn nào tốt hơn.
Cùng với những băn khoăn về nước máy, quay trở lại với nguồn nước giếng, thứ từng gắn bó với bao thế hệ, thì nguy cơ còn lớn hơn nhiều. Bởi ngay giữa trung tâm thị trấn Đồng Lê, tình trạng ô nhiễm xăng dầu trong nước ngầm đã trở thành nỗi ám ảnh kéo dài suốt mấy thập kỷ qua, không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Mai Văn Minh: Để thị trấn Đồng Lê và các xã lân cận nói riêng, huyện Tuyên Hóa nói chung phát triển bền vững thì phải giải quyết dứt điểm bài toán nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất. Nguồn nước ngầm đã ô nhiễm, nước mặt cũng đứng trước nguy cơ bị xâm nhập mặn và suy giảm chất lượng do hoạt động xả thải. Đây là vấn đề cần sự đầu tư đồng bộ, lâu dài, không thể làm chắp vá, nhất là sản xuất nông nghiệp các xã vùng dưới phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông Gianh.
Ông Nguyễn Đình Lưu (60 tuổi, tiểu khu 1, thị trấn Đồng Lê) kể lại: Năm 1990, khi xây nhà, ông đào giếng và phát hiện đất đẫm mùi xăng, thậm chí khi đốt thử còn dễ dàng bốc cháy. Chuyển sang vị trí khác để đào giếng thứ hai nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Không riêng gì gia đình ông, hầu hết hộ dân quanh khu vực đều gặp tình trạng tương tự. Vào mùa mưa, nước tràn về khiến cả khu vườn nồng nặc mùi xăng, người dân càng thêm lo lắng.
“Đây là khu vực kho xăng những năm chiến tranh nên tất cả đều bị ô nhiễm nặng. Nhà tôi thậm chí còn “thu hoạch” được rất nhiều xăng. Sau này, khi có trạm cấp nước, chúng tôi chuyển sang dùng nước máy nhưng do bị ám ảnh về việc nước giếng bị nhiễm xăng dầu, cộng với tình trạng nước thải tự do tại khu vực cấp nước thô nên tôi đầu tư cùng lúc hai hệ thống lọc nước. Máy lọc được hướng dẫn 3 tháng thay lõi lọc nhưng thường chỉ mới một tháng đã bẩn, cần phải thay!”, ông Lưu cho biết thêm.
Cùng với gia đình ông Lưu là nhiều gia đình khác trên địa bàn đã đào rất nhiều giếng nhưng đều không sử dụng được do nhiễm xăng, nhiễm phèn… khiến vấn đề nước sạch cho sinh hoạt là nỗi lo lắng rất lớn của người dân.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi về những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sạch đang ảnh hưởng đến đời sống người dân thị trấn Đồng Lê và các xã vùng phụ cận, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Mai Văn Minh đã đề cập đến hai phương án cụ thể. Giải pháp thứ nhất là giữ nguyên vị trí trạm cấp nước hiện tại, đồng thời nâng cấp, tăng cường hệ thống lọc nước để bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch đạt chuẩn cho nhân dân sử dụng. Giải pháp thứ hai mang tính căn cơ hơn, đó là nghiên cứu việc di dời trạm cấp nước lên khu vực thượng nguồn, cách địa điểm hiện tại khoảng 3-5km, nhằm tiếp cận nguồn nước đầu vào tốt hơn. Tuy nhiên, cả hai phương án đều cần có nguồn kinh phí đáng kể để triển khai.
Nhiều hộ dân thị trấn Đồng Lê đầu tư máy lọc nước để yên tâm sử dụng.
Bên cạnh những lo ngại về nước sinh hoạt cho người dân, nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực này vẫn luôn hiện hữu. Thực tế đã ghi nhận vào những thời điểm mùa hè nắng nóng kéo dài hơn một tháng, nhiều đoạn sông Gianh khô cạn, trơ đáy. Khi thiếu nguồn nước ngọt bổ sung, sông Gianh sẽ đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn trực tiếp đe dọa đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng.
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của quê hương và sự đi lên của ngành, các thế hệ làm báo nói, báo hình Quảng Bình lưu giữ biết bao kỷ niệm. Với tôi, ký ức về những ngày làm báo hình giữa mùa lũ kép năm 2010 mãi mãi là những dấu ấn sâu sắc, khó phai mờ.
(QBĐT) - Tư duy đầu tư kiểu "xin-cho", xin được "đồng nào, xào đồng nấy", còn nợ… tính sau và thói quen "trông chờ, ỷ lại" đã khiến nhiều công trình cấp bách, thiết yếu bị kéo dài thời gian đầu tư, dẫn đến lãng phí, xuống cấp. Đó cũng chính nguyên nhân phát sinh nợ đọng và nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương.
(QBĐT) - Việc ồ ạt xây dựng các công trình dự án, trong khi chưa chủ động được nguồn lực đầu tư từ nhiều năm trước, khiến nhiều địa phương đang loay hoay giải quyết nhiều khoản nợ và nợ đọng xây dựng cơ bản, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.