(QBĐT) - Sau hơn 50 năm, chúng tôi vẫn may mắn gặp được những “nhân chứng sống” đã làm nên vùng đất Quảng Bình “Hai giỏi” thuở trước. Hầu hết đã qua tuổi “cổ lai hy”, có người đã ngót nghét tuổi 90, nhưng khi nghe kể chuyện, cảm giác như ai cũng vừa mới bước ra từ trong những trang lịch sử oanh liệt và oai hùng.
Nghi binh để... đánh cá
Gần 90 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Quang Phú (1966-1978), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) giai đoạn 1987-1993 Nguyễn Xuân Diều vẫn còn dáng dấp tráng kiện của người con vùng biển. Ông tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập (năm 1958). Và chỉ sau hơn 3 năm sau, HTX Quang Phú đã là “lá cờ đầu” về nghề cá của miền Bắc. Riêng cá nhân Chủ nhiệm HTX Lê Trạm (giai đoạn 1958-1966) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1962. Ông Diều kể, thời kỳ đó, HTX đã có những tổ, đội “nằm vùng” dài ngày, ngày đêm bám biển ở vùng bãi ngang các xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) và huyện Quảng Ninh, vừa đánh bắt cá, vừa tuần tra, canh phòng vùng biển quê hương, chống gián điệp, biệt kích xâm nhập.
Ngày đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, mặc dù chúng cho máy bay, tàu chiến ném bom rất ác liệt và thả thủy lôi dọc bờ biển, song không cản được người Quang Phú tiến ra biển. Ông Nguyễn Xuân Diều nhớ lại, để mở đường ra biển, nhiều đảng viên của HTX cùng với bộ đội “cảm tử” dùng thuyền rà phá thủy lôi. Thời điểm đó, thuyền đánh cá của HTX Quang Phú đã được trang bị đèn chiếu sáng để đánh bắt cá. Tàu địch ở ngoài khơi biết được điều này, nên hễ phát hiện đèn sáng trên biển là chúng bắn pháo.
Để nghi binh đánh lừa địch, mỗi chuyến ra khơi, HTX phải bố trí 3 thuyền cùng đi, trong đó 1 chiếc có đèn chiếu sáng, 2 chiếc còn lại không có đèn. Ra đến điểm đánh bắt, số người trên thuyền có đèn di chuyển sang 2 thuyền còn lại để tổ chức đánh bắt cá bình thường. Cứ như vậy, trong suốt những năm tháng quê hương bị bom đạn kẻ thù cày xới, nhân dân Quang Phú đã vượt qua mưa bom bão đạn vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
![]() |
Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú (giai đoạn 1930-2015) ghi lại cụ thể và chi tiết: “Nếu như giai đoạn 1961-1965, sản lượng hải sản đánh bắt được hơn 2.100 tấn (đạt 120% kế hoạch, trong đó bán cho nhà nước 1.560 tấn, chiếm 75% (đạt 107% kế hoạch giao), thì đến giai đoạn 1968-1973 tăng lên 2.650 tấn (tăng 180% so với giai đoạn trước) và bán cho nhà nước đến 85% (vượt hơn 120% kế hoạch).
Còn theo Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình (tập 2, giai đoạn 1954-1975), trong những năm chiến tranh phá hoại, các HTX nghề cá dành 60% lao động và phương tiện phục vụ giao thông vận tải. Trên biển, địch đánh phá, khống chế thường xuyên, nhưng ngư dân vẫn bám biển. Riêng HTX Quang Phú, đơn vị anh hùng và là “lá cờ đầu” về nghề cá của miền Bắc, năng suất bình quân đạt 5 tấn/người/năm.
"Đầu đội toạ độ, chân đạp thủy lôi"
Ngôi nhà cấp 4 của thương binh Lê Thanh Cồng (SN 1947), ở tổ dân phố Phú Bình, thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) ngoảnh mặt ra sông Nhật Lệ. Đây cũng chính là đoạn sông “tọa độ lửa”, không quân Mỹ bắn phá rất ác liệt trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại. Vợ chồng ông Cồng (vợ là bà Võ Thị Diệt, SN 1948) đều là xã viên HTX Bình Minh từ năm 1966-1973. Ông Cồng bị thương trong một chuyến đưa bộ đội vào Nam qua sông Nhật Lệ năm 1968. Nơi ông bị thương không ở đâu xa mà ngay tại khúc sông trước mặt.
![]() |
Năm 1966, do yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến, trên cơ sở hợp nhất 3 HTX Bình Minh, Thống Nhất và Ngư Bình. HTX Bình Minh (xã Lương Ninh cũ, nay là thị trấn Quán Hàu) được thành lập có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường. Sách Lịch sử Đảng bộ thị trấn Quán Hàu (1999-2019) ghi lại, về tổ chức, HTX Bình Minh có 4 đội vận tải, trong đó có hai đội vận tải mang tên “Thuyền đoàn”, có trách nhiệm vận tải hàng hóa chiến lược từ Đồng Hới lên Lệ Thủy, để đưa vào miền Nam. Phương án vận tải là “địch đánh ngày, ta đi đêm, địch đánh đêm, ta đi ngày; địch đánh cả ngày lẫn đêm, ta đi cả đêm lẫn ngày”, với tinh thần “đầu đội tọa độ, chân đạp thủy lôi, không phút nghỉ ngơi, đưa hàng về phía trước”, vì miền Nam ruột thịt, vì Trị-Thiên kết nghĩa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình không chỉ là đầu cầu tuyến lửa, mà còn hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Quê hương “Hai giỏi” cũng chính là “nơi phát tích” của những khẩu hiệu quyết tâm hành động và phong trào thi đua: “Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay chèo tay súng”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Bám làng mà chiến đấu, bám ruộng đồng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”, “HTX là pháo đài, chi bộ là cốt thép, xã viên là chiến sĩ”, nức tiếng một thời. |
Ông Cồng kể, khi mới thành lập, thuyền vận tải của HTX chủ yếu chèo bằng tay và để tránh sự phát hiện của địch, việc vận chuyển hầu như diễn ra trong đêm. Cứ nhập nhoạng tối, thuyền rời bến, di chuyển về phía Bảo Ninh đợi khi trời tối hẳn mới chèo sang điểm lấy hàng ở Đồng Hới. Mỗi tốp đi 3 chiếc thuyền trọng tải 5 tấn và có khoảng 2-3 người chèo. Sau khi nhận hàng, thuyền lặng lẽ vận chuyển hàng lên địa điểm quy định. Tuy nhiên, từ năm 1967, địch phát hiện được tuyến vận tải hàng này, chúng liên tiếp cho máy bay ném bom bắn phá rất dữ dội. Vì sự ác liệt và hiểm nguy đó, nên trước mỗi chuyến đi, những xã viên vận tải như ông đều được làm lễ “truy điệu sống”. Cứ như vậy, người này ngã xuống, có người khác đứng lên vận chuyển. Những chuyến hàng vẫn đều đặn được xã viên HTX Bình Minh chuyển đến nơi cần đến...
Lịch sử của ngành Giao thông vận tải tỉnh và của Đảng bộ thị trấn Quán Hàu ghi lại trang trọng, Đội vận chuyển đường sông của HTX Bình Minh có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ bãi Nhật Lệ đến các kho ở thượng nguồn sông Kiến Giang (Lệ Thủy), phải vượt qua “tam giác lửa”: Quán Hàu-Trúc Ly-Long Đại; vượt qua lưới thủy lôi, từ trường, pháo sáng và bom tọa độ dày đặc của không quân Mỹ. Song, đợt vận chuyển nào cũng hoàn thành nhiệm vụ và vượt kế hoạch từ 20-30%. Suốt những năm chống Mỹ, HTX Bình Minh đã đưa về phía trước 10 vạn tấn hàng hóa các loại, trong đó năm 1972 vận chuyển cao nhất với trên 30 nghìn tấn. Với những thành tích đó, HTX Bình Minh được 2 lần nhận danh hiệu “Lá cờ đầu vận tải đường sông” do Bộ Giao thông vận tải tặng và nhiều Huân chương kháng chiến, Huân chương lao động.
Dương Công Hợp