icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Lính trẻ Quảng Bình trên đất lửa Quảng Trị

  • 05:04, 23/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau trận không quân Mỹ ném bom thị xã Đồng Hới (ngày 4/4/1965), cướp đi hơn 50 sinh mạng, phố xá tan hoang, người dân Đồng Hới gồng gánh, bồng bế con thơ đi sơ tán… Ngày đó, tôi 19 tuổi. Cũng như bao nhiêu bạn trẻ cùng trang lứa, chúng tôi hăng hái xung phong tình nguyện nhập ngũ lên đường đánh Mỹ. Đơn vị tôi đầu quân là Tiểu đoàn 45. Đây là tiểu đoàn bộ đội địa phương, đơn vị bộ binh chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang Quảng Bình được thành lập tháng 8/1964.
 
Đầu năm 1967, tình hình chiến sự ở miền Nam nóng lên, trong đó nổi bật là chiến trường Quảng Trị. Người Mỹ đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho chính quyền Sài Gòn, nhất là Vùng I chiến thuật, nơi đầu cầu giới tuyến tiếp giáp với miền Bắc XHCN bằng hệ thống hàng rào điện tử McNamara, tăng cường hỏa lực cho căn cứ Dốc Miếu, Quáng Ngang… Cùng với đó, các đơn vị thám báo của Mỹ từ căn cứ Đông Hà, Cửa Việt thường xuyên nống ra vùng Gio Hải, Gio Mỹ, Trung Giang (huyện Gio Linh) hòng ngăn chặn lực lượng bộ đội miền Bắc tăng cường cho chiến trường Quảng Trị.
 
Với tinh thần “miền Nam gọi, miền Bắc trả lời”, giữa tháng 6/1967, Đại đội 2 của tôi nhận nhiệm vụ “tăng cường chi viện cho chiến trường Quảng Trị” mà cụ thể là Mặt trận Khu Đông, huyện Gio Linh. Sau một tuần làm công tác chuẩn bị, toàn đại đội rời hậu cứ (thuộc xã Tân Thủy, Lệ Thủy), chúng tôi men theo những đồi sim me hành quân bộ về phía Nam.
 
Khi ngang qua Bàu Sen (xã Sen Thủy), toàn đội hình dừng lại nghĩ giải lao và nghe Chính trị viên Đại đội Lê Tường Giao đọc thư chúc mừng của đồng chí Trần Sự-Tỉnh đội trưởng gửi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 trước khi bước vào cuộc chiến đấu mới. Nội dung bức thư là nguồn động viên, là sự gửi gắm tình cảm của lãnh đạo tỉnh, đồng thời cũng là mệnh lệnh chiến đấu. Tất cả như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên đường hành quân. Ai cũng mong sớm được vào chia lửa với đồng bào Quảng Trị.
Tổ 3 người trong trận đầu đánh Mỹ tại thôn Bảy xã Gio Hải ngày 7/7/1967 trong một lần về thăm lại chiến trường xưa.
Tổ 3 người trong trận đầu đánh Mỹ tại thôn Bảy xã Gio Hải ngày 7/7/1967 trong một lần về thăm lại chiến trường xưa.
Đêm 30/6/1967, từ bến đò 2 Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), lực lượng dân quân huyện Vĩnh Linh dùng hàng chục chiếc đò đưa bộ đội vượt sông Bến Hải sang Xuân Mỵ bên bờ Nam. Từ đây, chúng tôi bí mật lặng lẽ hành quân cùng với mệnh lệnh: “Đạn lên nòng, sẵn sàng chiến đấu!”. Vị trí tập kết của Đại đội 2 là xã Trung Giang nằm ven bờ Nam Bến Hải gồm các thôn: Cao Xá, Thủy Khê, Cương Gián, Thủy Bạn và Cát Sơn. Trung đội 2 của tôi chốt tại Thủy Khê.
 
Trước đó, hồi tháng 5, Mỹ Ngụy đã có cuộc càn lớn ra hai xã Trung Giang và Trung Hải ép bộ đội ta trở về phía Bắc sông Bến Hải. Mặt khác, chúng dùng trực thăng “hốt” người dân hai xã đưa lên tập trung ở Cùa (Cam Lộ) tạo nơi đây thành “vùng trắng” để dễ dàng đánh phá bằng hỏa lực pháo và không quân. Tuy vậy, ở đây lực lượng du kích địa phương vẫn bám trụ. Suốt thời gian đại đội hoạt động trên địa bàn, họ đã phối hợp giúp đỡ chúng tôi trong chiến đấu, giải quyết kịp thời công tác thương binh, liệt sỹ, trong công tác hậu cần… Nhiệm vụ của chúng tôi được Mặt trận Giải phóng giao là “Chịu sự điều phối của Ban Chỉ huy Trung đoàn 270 (Khu đội Vĩnh Linh), phối hợp chiến đấu chống càn, bắn tỉa vùng Khu Đông Gio Linh”.
 
Sau mấy ngày ổn định, củng cố vị trí đóng quân, chúng tôi đã có trận xuất quân chiến đấu đầu tiên. Đó là trận phục kích toán lính Mỹ diễn ra tại thôn Bảy, thôn Tám bên bờ biển xã Gio Hải ngày 7/7/1967, khi tôi vừa tròn tuổi 20. Với quân số 16 người (Tiểu đội 2 của tôi được đại đội tăng cường thêm khẩu đội thượng liên) do Chính trị viên phó Đại đội Nguyễn Kim Quy chỉ huy. Vượt qua những phút giây hồi hộp, ngỡ ngàng ban đầu, các “tổ tam tam” chúng tôi phối hợp nhịp nhàng, nổ súng tiêu diệt địch ngay từ loạt đạn đầu tiên. Ban đầu chỉ có toán lính Mỹ nhưng đến giữa chừng chúng dùng xe bọc thép M113 từ Quân cảng Cửa Việt tăng viện, trên đầu là chiếc trực thăng OV-10 quần đảo nã từng loạt đại liên. Mặc cho quân địch có lợi thế về quân số và hỏa lực, chúng tôi vẫn động viên nhau bám trận địa, lợi dụng những gốc phi lao cổ thụ làm vật che đỡ, quần nhau với địch cho tới khi màn đêm buông xuống.
 
Sau này theo thông tin của trinh sát mặt trận cho biết toán lính Mỹ bị chúng tôi tiêu diệt 10 tên, không kể bị thương. Nếu chúng không tăng viện, chắc chắn con số không chỉ dừng ngang đó. Riêng về Tiểu đội 2 chúng tôi đã bắn cháy và phá hỏng 2 xe bọc thép M113. Xạ thủ B40 Trần Đình Tâm bắn cháy một chiếc và Tiểu đội trưởng Nguyễn Đức Xuyến kết 4 quả lựu đạn đánh tung xích một chiếc. Chúng tôi mất 4 tay súng trong đó có Nguyễn Đức Xuyến. Chiến thắng có tính khích lệ rất lớn đối với chúng tôi, đặc biệt đây là trận thử lửa đầu tiên trực tiếp với lính Mỹ của lính trẻ Quảng Bình.
Xạ thủ bắn tỉa, thương binh Nguyễn Đình Chuyết (tay cầm gậy, anh bị hỏng cả hai mắt) và tác giả.
Xạ thủ bắn tỉa, thương binh Nguyễn Đình Chuyết (tay cầm gậy, anh bị hỏng cả hai mắt) và tác giả.
Phát huy chiến công đầu, tiếp theo Đại đội 2 đã có những trận đánh chống càn khi địch nống ra ở Gio Mỹ… Trong trận đánh ở Cam Phổ, xạ thủ B40 Lê Văn Lượng đã bắn cháy 2 xe bọc thép M113. Ngoài những trận đánh mang tính chất đối đầu trực tiếp, với sự giúp đỡ của du kích địa phương, đại đội còn thành lập các tổ bắn tỉa. Từ làng Cao Xá (xã Trung Hải) chúng tôi tiếp cận mục tiêu là cứ điểm Quận Trung Lương. Những đường đạn súng trường “bí hiểm” của các xạ thủ trẻ Quảng Bình đã tạo nên cái chết bất ngờ cho tụi cảnh sát dã chiến, gây nên sự hoang mang, bất ổn đối với chúng. Khi lực lượng pháo binh của mặt trận xuất kích (phân đội hỏa tiễn Cachiusa-H12) pháo kích vào, Quân cảng Cửa Việt, Đông Hà chúng tôi lại vinh dự nhận nhiệm vụ đi bảo vệ phía trước, bảo đảm an toàn cho đơn vị bạn.
 
Trong dịp này, chúng tôi lỡ mất một cơ hội lập công. Số là Ban Chỉ huy Đại đội 2 đã đề nghị và được sự chấp nhận của Mặt trận cho phép tập kích Quận Trung Lương, một điểm tập trung của cảnh sát dã chiến Ngụy nằm bên Quốc lộ 1, cách cầu Hiền Lương 3km về phía Nam. Đại đội trưởng Đậu Thanh Long cùng tổ trinh sát (trong đó có tôi) đã mật tập vào tận chân hàng rào cứ điểm, trinh sát “cân đong đo đếm” chi tiết từng lỗ châu mai, từng điểm hỏa lực… Hôm sau, Đại đội 2 đã tổ chức đánh trên sa bàn, phân công cụ thể các mũi. Chúng tôi hồ hởi, phấn khởi chờ quyết định giờ “G”. Nhưng sau đó do tình hình không cho phép nên cấp trên quyết định hoãn trận tập kích. Toàn đại đội ai cũng tiếc!
 
Thời gian trôi qua, mới đó mà đã gần 50 năm! Tuy vậy, những kỷ niệm một thời “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” của chúng tôi-những người lính trẻ Quảng Bình vẫn không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh bát cháo, củ khoai từ bàn tay của các bà mẹ, các chị cho đến những người du kích Gio Linh-Quảng Trị từng sát cánh bên nhau trong chống càn, trên trận địa bắn tỉa… vẫn mãi mãi còn đó, vẫn là niềm tự hào của tuổi trẻ Quảng Bình với Quảng Trị anh hùng cho dù giờ đây chúng tôi đã ở tuổi “cổ lai hy”.
Đoàn Thị
(Nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 45, Tỉnh đội Quảng Bình)

tin liên quan

"Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh"
"Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh"

(QBĐT) - "Đây bình minh đang lên hồng chân mây/Xóm chài ta vui lên đường ra khơi/Nghe hàng phi lao gió thổi thì thầm, nghe biển êm ru sóng vỗ rì rầm....", gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những ca từ, giai điệu của ca khúc "Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh" vẫn còn ngân vang mãi trong công chúng yêu nhạc, đặc biệt đối với đồng bào của vùng đất Quảng Bình-Quảng Trị. 

Lửa từ… "lòng đất"
Lửa từ… "lòng đất"

(QBĐT) - Thị xã Đồng Hới những ngày sau thời điểm ngày 4/4/1965 chìm đắm trong nỗi đau thương khi một thị xã đẹp tươi, êm đềm bên dòng Nhật Lệ phút chốc bị hủy diệt bởi bom đạn của giặc Mỹ...

Quảng Bình muôn vẻ
Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Đồng Hới, thành phố xanh bên dòng Nhật Lệ đang được du khách gần xa chọn làm điểm đến bởi cảnh sắc thiên nhiên yên bình, hiền hòa, dân cư thân thiện, mến khách.