(QBĐT) - “Đây bình minh đang lên hồng chân mây/Xóm chài ta vui lên đường ra khơi/Nghe hàng phi lao gió thổi thì thầm, nghe biển êm ru sóng vỗ rì rầm....”, gần 60 năm đã trôi qua, nhưng những ca từ, giai điệu của ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” vẫn còn ngân vang mãi trong công chúng yêu nhạc, đặc biệt đối với đồng bào của vùng đất Quảng Bình-Quảng Trị. Ca khúc đã góp phần lưu dấu về một thời đoàn kết, gắn bó cùng bảo vệ biển trời của Tổ quốc yêu thương trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt và cũng là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, kiên cường của con người ở hai mảnh đất đi đầu trên chiến tuyến diệt thù.
Nhạc sĩ Xuân Giao (1932-2014) sáng tác ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” vào khoảng năm 1965-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang đi vào những tháng ngày cam go, ác liệt. Thời điểm này, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá điên cuồng miền Bắc.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập II (1954-1975), năm 1966, số lần địch đánh phá tăng 4,1; số bom địch sử dụng tăng 7,4; số lần đánh vào vùng dân cư tăng gấp 34,4 so với năm 1965. Phối hợp với không quân, hải quân Mỹ tăng cường khống chế mặt biển, bắn pháo vào bờ. Vùng biển Quảng Bình thường xuyên có từ 2-3 tàu khu trục địch tấn công ngày đêm. Khu vực Vĩnh Linh cũng chịu sự tấn công dữ dội của quân đội Mỹ. Trong bối cảnh đó, người dân Quảng Bình-Vĩnh Linh vẫn dũng cảm, kiên cường, mưu trí bám trời, bám biển, bám đất quê hương.
Tổ nhạc Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình biểu diễn tại chốt An Lộng (Quảng Trị) năm 1974. (Nghệ sĩ Nam Kỷ là người khoác khăn).
“Hơ, nắng lên nghe biển vui reo, cô em tay súng tay chèo đẹp sao/Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình/Biển trời Tổ quốc thân yêu/Có quân dân sát vai nhau giữ gìn, có quân dân sát vai nhau giữ gìn/Ớ ơ Quảng Bình, Vĩnh Linh Quảng Bình ớ hớ”... Đã hàng chục năm trôi qua, nhưng ông Đoàn Thị (nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình), thành viên Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình ngày nào vẫn còn nhớ mãi từng ca từ, giai điệu của ca khúc này.
Ông chia sẻ, ông gia nhập đoàn văn công từ năm 1968, vừa là nhạc công, vừa tham gia hát, đóng kịch… “nhất duyên đa năng”, sau nay ông là Phó Bí thư Chi bộ Đoàn Văn công Tỉnh đội (1971-1972). Từ thời điểm ông tham gia đoàn, ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” đã luôn nằm trong các chương trình biểu diễn của đoàn. Về đoàn, ông cũng không cần học thuộc bài hát bởi thời kỳ là bộ đội từ năm 1966-1967 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, ca khúc đã được bộ đội chuyền tay, thuộc lòng từng lời hát, giai điệu.
Đặc biệt, khi Đoàn Văn công Tỉnh đội vào biểu diễn tại huyện Gio Linh, Cam Lộ (Quảng Trị), ca khúc này rất được bộ đội và bà con yêu thích. Ca khúc thường được biểu diễn dưới dạng hợp ca nam-nữ, góp phần nêu bật tinh thần bất khuất, kiên cường, đoàn kết của đồng bào Quảng Bình-Vĩnh Linh. Ngoài ca khúc này, còn có ca khúc “Trên luống cày ta xây trận tuyến” của nhạc sĩ Thái Quý viết về Vĩnh Linh cũng được đoàn thường xuyên biểu diễn trong các chương trình.
Tiết mục “Hò kéo pháo” của Đoàn Văn công Tỉnh đội năm 1968.
Còn theo nghệ sĩ Nam Kỷ, Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình (tiền thân của Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh ngày nay) bồi hồi nhớ lại, đây là một trong những ca khúc thường xuyên được đoàn biểu diễn trong các chương trình. Bài hát được trình bày dưới dạng tốp ca nam-nữ, còn nghệ sĩ Nam Kỷ chủ yếu đơn ca, lại hát nhiều tiết mục trong một chương trình nên ít tham gia cùng các anh chị em hát ca khúc này. Tuy nhiên, mỗi lần được cất cao tiếng hát: “Quê nhà ta chiến thắng giặc nơi nơi, đây biển khơi đang đêm ngày reo vui/Ta là dân quân tay súng sẵn sàng, giữ trời quê ta mãi mãi tươi hồng/Căng buồm lên ta đưa thuyền ra khơi, đây biển reo vui chân trời ra khơi/Ta cùng thi đua tay súng tay chèo, giữ biển quê hương vui hát sớm chiều”, bà cùng các anh chị em nghệ sĩ luôn trào dâng niềm xúc động, tự hào.
Bên cạnh “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh”, nhạc sĩ Xuân Giao còn nổi tiếng với các ca khúc: “Đi tới những chân trời”, “Chào sông Mã anh hùng”, “Cô gái mở đường”, “Em mơ gặp Bác Hồ”…
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, thành viên của Đoàn văn công nhân dân Quảng Bình ngày nào vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm liên quan đến ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh”. Đó là vào năm 1973, ông cùng một số văn nghệ sĩ của đoàn theo đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Bình đến Đông Hà (Quảng Trị). Thời đó, ông vừa là nhạc công, vừa là ca sĩ của đoàn. Ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” đã được các thành viên của đoàn hát vang ngay tại quê hương Quảng Trị với niềm xúc động, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai.
Nhạc sĩ Dương Viết Chiến nhận định, ca khúc “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” đã góp phần khắc họa một hình ảnh Quảng Bình-Vĩnh Linh anh dũng, kiên cường nơi tuyến đầu trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và cũng là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam đánh giặc. Bởi vậy, sức sống, tinh thần lạc quan của ca khúc luôn lan tỏa và còn mãi với thời gian: “Hơ, súng ta giăng lửa trên cao, không cho quân cướp Mỹ vào chốn đây/Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình/Từng đàn quạ Mỹ tan thây, súng quân dân vững trong tay diệt thù/Súng quân dân vững trong tay diệt thù, ớ ơ Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình/Vĩnh Linh quê mẹ thân yêu/Câu ca chiến thắng sớm chiều rộn vui/Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình/Quảng Bình thuyền vẫn ra khơi/Lúa ngô xanh tốt nơi nơi được mùa/Lúa ngô xanh tốt nơi nơi được mùa ơ ớ ơ ơ/Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Bình”.
(QBĐT) - Thị xã Đồng Hới những ngày sau thời điểm ngày 4/4/1965 chìm đắm trong nỗi đau thương khi một thị xã đẹp tươi, êm đềm bên dòng Nhật Lệ phút chốc bị hủy diệt bởi bom đạn của giặc Mỹ...
(QBĐT) - Đồng Hới, thành phố xanh bên dòng Nhật Lệ đang được du khách gần xa chọn làm điểm đến bởi cảnh sắc thiên nhiên yên bình, hiền hòa, dân cư thân thiện, mến khách.
(QBĐT) - Những năm tháng theo học đại học ở Hà Nội, tôi thuê trọ tại nhà ông Nguyễn Văn Minh gần chợ Ngã Tư Sở thuộc quận Đống Đa. Ông Minh là bộ đội từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.